Những ngày cận Tết Nguyên đán này, dồn dập thông tin về các vụ triệt phá đường dây, ổ nhóm sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, từ thiết bị điện tử, quần áo, cho tới thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, bắt đầu từ ngày 28/1, ba đoàn kiểm tra cấp Bộ mới được thành lập, lại tiếp tục kiểm tra giá cước vận tải, sau những đợt kiểm tra trước đây, do các địa phương tiến hành, xem vì sao giá cước vận tải không chịu hạ cho phù hợp với hiện thực thị trường, giá xăng dầu đã giảm rất sâu. Người tiêu dùng thực sự chán nản, bất an, khi quyền, lợi ích chính đáng, được ghi rõ trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực hơn 3 năm qua, vẫn chỉ là được bảo vệ “trên giấy”.

Cho dù có ghi nhận những cố gắng lớn của các lực lượng chức năng trong việc phá các đường dây, ổ nhóm sản xuất và tiêu thụ hàng giả, thì hàng loạt câu hỏi, nỗi niềm của người tiêu dùng vẫn đang được đặt ra từ các vụ vi phạm được phát giác này.

nguoi_tieu_dung_mkiw.jpgảnh minh họa

Với vụ Công ty TNHH Romal, có trụ sở tại Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội hơn 7 năm qua nhập hàng điện tử từ Trung Quốc về, thay nhãn mác, “hô biến” thành sản phẩm xuất xứ châu Âu, đưa vào nhiều siêu thị trên toàn quốc tiêu thụ, câu hỏi lớn nhất đặt ra là: Vì sao hành vi gian lận này lại có thể kéo dài đến như vậy? Chẳng lẽ các doanh nghiệp, siêu thị kinh doanh cũng bị lừa?

Với vụ thực phẩm chức năng “rởm”, được gắn mác Australia, Mỹ và cả nhãn mác của một số loại thực phẩm chức năng được cấp phép, có thương hiệu Việt lên tới hàng chục tấn vừa rồi, người tiêu dùng bàng hoàng, phẫn nộ, bởi được biết rằng, đã hơn 1 năm nay, các đối tượng làm thực phẩm chức năng giả đã đưa rất nhiều sản phẩm ra thị trường, từ các chợ, cho tới những cửa hàng thuốc có tiếng tại Hà Nội. Thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng để bảo vệ sức khỏe, với giá đâu có rẻ, không phải chỉ người có tiền mới mua, mà thậm chí cả những người thu nhập thấp, với niềm tin vào tác dụng bồi bổ cơ thể, bảo vệ sức khỏ, dành dụm để mua cho mình, cho người thân, với phương châm có sức khỏe là có tất cả. Vậy nhưng ác thay, cái sản phẩm ấy lại bị làm giả. Thôi thì tiền mất, vì mua phải thứ không có tác dụng bồi bổ, bảo vệ sức khỏe đã đành. Giờ nghe thông tin cơ quan chức năng đang xét nghiệm xem các lô hàng giả ấy có độc tố hay không, người tiêu dùng mới thấy thật hãi hùng, hoang mang, lo lắng!

Câu hỏi chung đặt ra từ 2 vụ việc này: Liệu có phải công tác quản lý thị trường đã bị buông lỏng? Làm thế nào để trở thành người tiêu dùng thông thái, khi mà tới các địa chỉ tin cậy, là siêu thị, nhà thuốc lớn còn bị mua phải hàng giả? 

Với chuyện cước vận tải, đây thực sự là mối bức xúc của người dân. Sau khi giá xăng dầu giảm sâu trong nhiều tháng, giá cước vận tải dường như cứ đứng yên, trước sức ép dư luận, hết công văn nọ, chỉ thị kia, rồi thì cũng có báo cáo của 40 sở tài chính địa phương vào tháng cuối năm 2014, kết luận là giá cước vận tải của các doanh nghiệp đã giảm ở mức “hợp lý”, thì càng khiến dư luận bức xúc thêm. Giá vận tải chưa giảm mấy, thì giá các hàng hóa khác có liên quan cũng chưa thể hạ ở mức phù hợp. Cho dù nhận xét một cách cảm tính, thì cũng có thể thấy rằng lẽ ra chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng này phải giảm nữa, chứ không chỉ giảm ở mức 0,2% so với tháng trước, như Tổng cục thống kê vừa công bố.

Sự vô lý của giá cước vận tải đến mức Thủ tướng Chính phủ phải có văn bản chỉ đạo, Bộ Tài chính thành lập tiếp 3 đoàn kiểm tra tình hình đăng ký giá cước vận tải trên phạm vi toàn quốc.

Người tiêu dùng thật sự bức xúc, lên án các doanh nghiệp vận tải vô trách nhiệm, nhưng cũng đặt câu hỏi về công tác quản lý, chẳng lẽ không có cách gì “quản” được giá cước vận tải trong cơ chế thị trường!

Trước vô cùng nhiều những bất cập, những thứ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng như vậy, một câu hỏi thật cũ đặt ra là “Ai bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng?”, khi mà Luật Bảo vệ quyền lợi tiêu dùng đã có hiệu lực đến nay cũng đã hơn 3 năm, quy định rõ ràng, chi tiết, thể hiện sự văn minh của xã hội ta với người tiêu dùng.

Hãy xem câu hỏi đó là một lời than thở. Bởi câu trả lời thì cũng đã rất rõ: Đó là trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý các lĩnh vực liên quan!/.