“Chỉ trong Quý 1/2020 đã có 35.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, hơn 75% số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% phải giảm tới một nửa quy mô lao động, hàng triệu lao động nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới”. Đây là con số được đưa ra trong Hội nghị bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động cho các doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid 19 do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức chiều nay (29/6).
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, tính đến tháng 6 năm nay, cả nước có gần 31 triệu người từ 15 tuồi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập...Trong đó, số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng. Lao động khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất với 72%, tiếp đến là khu vực công nghiệp, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Toàn cảnh hội nghị. |
Số lao động bị mất việc làm trong 6 tháng qua khoảng 1,4 triệu người. Một số doanh nghiệp dự kiến sẽ cắt giảm hàng nghìn lao động trong thời gian tới như Công ty TNHH Pou Yuen, công ty dệt may Huê Phong, Công ty gỗ Woodworth Wooden (TP. Hồ Chí Minh)…
Trong khi số lao động mất việc làm liên tục gia tăng thì kết quả giải quyết việc làm và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm rất thấp. Cụ thể tại thành phố Hồ Chí Minh giảm 28%, Hà Nội giảm 23%,.... Đồng thời, một loạt các thị trường lao động lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc,...bị ảnh hưởng bởi dịch Covid nên phải ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam, nhiều đơn hàng tuyển dụng, đợt xuất cảnh lao động đều bị tạm dừng. Số người xin hưởng trợ cấp thất nghiệp và BHXH một lần tăng mạnh trên cả nước.
Các hoạt động sản xuất, chế biến, chế tạo, du lịch, hàng không trong nước tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên vật liệu, vừa không thể xuất khẩu khi các thị trường đối tác bị ngưng trệ.
Đáng chú là những thành phố du lịch lớn của Việt Nam, bị tác động nghiêm trọng khi không có khách quốc tế.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 62.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 29 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước. Qua khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) riêng trong Quý I/2020 đã có 35.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, đây là một con số kỷ lục từ trước tới nay (lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rời thị trường lớn hơn số thành lập mới); hơn 75% số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động và có tới gần 10% phải giảm tới một nửa quy mô lao động so với hiện nay, hàng triệu lao động nguy cơ mất việc làm trong những tháng tới đây.
Còn theo bà Nguyễn Hoài Thu, Phó giám đốc Công ty Sài Gòn Tourist cho biết, đến nay, doanh thu đang giảm dần do mảng khách du lịch quốc tế không hoạt động và đã phải cắt giảm tiền lương người lao động: "Chúng tôi kiến nghị được phép miễm thị thực và giảm thị thực khi du lịch quốc tế quay trở lại, chậm nộp tiền BHXH cho năm 2020 và 2021".
Đối với gói hỗ trợ 62.000 tỷ, những điều kiện để doanh nghiệp được tiếp cận vẫn còn khó khăn như doanh nghiệp không có doanh thu, bị cắt giảm 50% lao động…Với những điều kiện như vậy thì doanh nghiệp không thể tiếp cận gói hỗ trợ này. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần có những chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn giản hoá thủ tục và điều kiện kinh doanh để doanh nghiệp tự tin hơn trong đầu tư dài hạn.
Ông Trần Mạnh Cường, Phó phòng Tổ chức hành chính, Tổng công ty May 10 kiến nghị Chính phủ sửa đổi các điều kiện cho vay để có thể tiếp cận gói này: “Đối với điều kiện doanh thu giảm 20% cũng cần phải phù hợp. Còn điều kiện tài chính phải bằng 0 thì mới được vay thì rất là khó để cho doanh nghiệp đáp ứng được để tiếp cận. Chúng tôi cũng đề nghị đối với điều kiện về tài chính, chúng ta cũng cần xem lại để các doanh nghiệp có thể tiếp cận. Bởi thực tế, nếu không còn quỹ lương dự phòng, không còn nguồn tài chính hợp lệ nào để chi trả cho người lao động thì coi như doanh nghiệp cũng phá sản”.
Nhiều doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ từ Chính phủ. |
Trước những vướng mắc của các doanh nghiệp, đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã từng bước giải đáp 3 nhóm vấn đề về tạm dừng đóng BHXH, điều kiện cho vay và khâu tổ chức thực hiện.
Liên quan đến tạm dừng đóng BHXH, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, nếu doanh nghiệp không có doanh thu thì được tạm dừng đóng BHXH cho người lao động. Trong thời gian vừa qua, có 1.500 doanh nghiệp được tạm dừng đóng cho người lao động cho hơn 130 nghìn người lao động với số tiền 500 tỷ đồng. Thời gian tới dự báo sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp được hưởng chính sách này:
“Qua những kiến nghị của doanh nghiệp, chúng tôi cũng mạnh dạn tham mưu cho lãnh đạo Bộ là thay vì tạm dừng đóng sẽ tham mưu để doanh nghiệp có thể tạm dừng đóng tối đa là 12 tháng. Như vậy nếu như hiện nay đang tạm dừng 500 tỷ đồng thì sẽ tăng lên 1 nghìn tỷ đồng. Còn câu chuyện tạm dừng đóng mà cho rằng doanh nghiệp không đủ điều kiện, đối chiếu theo văn bản của Bộ, thì phải trả lời bằng văn bản, doanh nghiệp không đủ điều kiện ở chỗ nào chứ không trả lời miệng và bắt doanh nghiệp đi lại nhiều. Chúng tôi tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp và sẽ chỉ đạo thực hiện nội dung này”, ông Giang nói.
Để gỡ vướng cho doanh nghiệp và người lao động, mới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã yêu cầu các địa phương chủ động nắm bắt tình hình thị trường lao động trên địa bàn để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; Tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết để hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khắc phục khó khăn để ổn định, phát triển sản xuất./.