Công chúng yêu âm nhạc không còn xa lạ với cái tên Lê Thành Trung và ca khúc "Cơn mơ băng giá" qua giọng hát của Bằng Kiều và sau này là nhiều ca sĩ khác. Còn công chúng yêu bóng đá cũng đã biết về Lê Thành Trung - một bình luận viên bóng đá. Hai lĩnh vực tưởng chừng như có phần đối nghịch ấy thực ra trong sâu thẳm vẫn có những thứ liên quan, dắt díu nhau ở những “góc khuất” của người nghệ sĩ.
Mới đây, nhạc sĩ Lê Thành Trung đã ra mắt cuốn sách "Bóng đá - World Cup - những góc khuất" được anh viết ra từ những thứ mình biết và thấy hay, thỏa mãn đam mê của mình. Đồng thời muốn người mê bóng đá hiểu tường tận, sâu sắc về ý nghĩa, bản chất, cũng như những khía cạnh xã hội của bóng đá.
“Những gì chúng ta thấy, xem, nghe về bóng đá hàng ngày, nó không chỉ là bóng đá mà còn là lịch sử, là văn hoá. Và không phải tự dưng mà nó trở thành một phần phát triển của thế giới hiện tại”- anh nói.
Để có chất liệu cho cuốn sách, Lê Thành Trung đã có 5,6 năm để tập hợp tư liệu, kiểm tra, khai thác thông tin, đi thực tế và viết lại thành sách với mong muốn mang đến những thông tin hữu ích giúp fan bóng đá có thêm hiểu biết và sự cảm nhận đầy đủ hơn về những trận đấu bóng đá. Hoặc đơn giản chỉ là để những giây phút chờ đợi World Cup trở nên thú vị hơn.
Đọc cuốn sách, nhà văn Chu Lai đánh giá, với hơn 400 trang sách, bóng đá đâu chỉ là bóng đá với những lịch sử thăng trầm, những trận cầu tung trời, những giải đấu làm xiêu lệch cả các quốc gia, những ngôi sao sân cỏ đôi khi còn tỏa sáng hơn cả những ánh sao trên dải ngân hà…mà nó còn là nước mắt, là máu...
“Lối viết thông minh, sắc nét, trẻ trung nhưng trầm tĩnh, có lúc sôi trào, có lúc lắng đọng, có lúc lại kết tủa mang màu sắc triết nhân, tác giả đã dẫn ta đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, cái bất ngờ nào cũng được khai triển một cách công phu, công phu về khai thác tài liệu và công phu cả trên bút pháp. Bút pháp ở đây là thứ pha trộn khá ngọt chất chính luận lịch sử, văn học và phóng sự nên món ăn trên mâm không làm ta bị nhàm chán, ngược lại nó luôn kích thích nhau, đọc cái này xong lại không thể không đọc tiếp cái khác, cái nào cũng lạ cũng hấp dẫn cả.
Nói rõ hơn, không có cách nhìn lịch sử chân xác về bóng đá thì tác giả không có được những phân khúc chính luận mang hơi thở lịch sử nồng nàn, chân xác như thế này. Không có sự dụng công nhọc nhằn về chữ nghĩa, bố cục, phác họa chân dung thì làm sao tác giả có thể có được những trang viết sâu sắc, tài hoa như một thể loại truyện ngắn như thế. Và nếu không phải là một nhà báo luôn xông pha ở mũi nhọn thể thao thì chắc tác giả cũng khó có thể có được những lát cắt nhanh nhạy, mạnh mẽ, dứt khoát khi khai triển về chủ đề trái bóng như vậy", nhà văn Chu Lai nhận định.
Còn nhà báo Vũ Công Lập thì nhận xét, Lê Thành Trung muốn hiểu bóng đá trên tinh thần và phương pháp nghiên cứu. Niềm khao khát này đã tạo ra chất lượng cuốn sách, khiến chúng ta có thể đọc một cuốn sách dày mà không thấy chán, thậm chí có thể đọc mê mải một mạch… Để có khối tài liệu như vậy, đương nhiên phải đọc rất nhiều.
“Chúng ta đều biết bóng đá ra đời từ nước Anh. Chúng ta vẫn đều đều xem giải ngoại hạng Anh. Nhưng chúng ta chưa biết rằng, chính Đảo quốc cũng là nơi sinh thành của bóng đá chuyên nghiệp. Ngay trong những trang sách đầu tiên, bạn đã thấy “cuộc hành trình đi tìm giá trị” ở nền bóng đá độc đáo này”- nhà báo Vũ Công Lập nói.
Sau khi hoàn thành cuốn sách, Lê Thành Trung cho rằng anh "vừa được vừa mất": “Khi viết xong cuốn sách này, tôi vừa được vừa mất. Được là có một cuốn tư liệu về bóng đá mà mình yêu thích. Mất là tôi sợ bàn phím. Sợ viết một thời gian. Và lúc đó chỉ có âm nhạc trở thành cứu cánh để tôi cân bằng hơn trong cuộc sống và lấy lại cảm hứng với bóng đá.
Sáng tác là tôi tự học và bài hát "Cơn mơ băng giá" là bài hát đầu tiên của tôi được phát hành thành công qua giọng hát Bằng Kiều, Noo Phước Thịnh và nhiều ca sĩ khác; tiếp đó, tôi cho ra mắt hàng loạt các ca khúc: "Có lẽ", "Hà Nội nơi tìm về", "Hãy cho em yêu anh", "Tình đến rồi đi", "Chạm vào những giấc mơ", "Mình là duy nhất".
Bởi, tôi đơn giản nghĩ: Bóng đá hay âm nhạc đều là tác phẩm để chúng ta thưởng thức và cảm nhận. Với những người xem bóng đá cũng như nghe một bài hát thôi. Có hay, có dở, nhưng những người không chỉ xem bóng đá mà hiểu về nó thì cũng như nghe bài hát cần hiểu về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm và khi đó cảm nhận sẽ trọn vẹn hơn”./.