Nhà văn Lê Lựu sinh ngày 12/12/1942 ở một vùng quê nghèo ven sông Hồng thuộc xã Tân Châu (Hưng Yên). Gia đình ông có 8 người con, nhưng 5 anh chị em của ông mất sớm. Từ khi 10 tuổi, ông đã có ước mơ sau này trở thành một nhà báo, nhà văn. 17 tuổi, nhà văn lên đường nhập ngũ và cũng kể từ đó, môi trường quân đội đã rèn dũa và ươm mầm khả năng văn chương của ông.
Lê Lựu là nhà văn quân đội, thành viên của Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1974 và có nhiều tác phẩm xuất sắc viết về đề tài người lính, đời sống con người vùng nông thôn. Các tác phẩm đầu tay của ông gồm “Mở rừng”, “Đại tá không biết đùa”, “Sóng ở đáy sông”, “Chuyện làng Cuội, Một thời lầm lạc, Thời xa vắng... Đặc biệt cuốn tiểu thuyết Thời xa vắng là dấu mốc quan trọng đã làm nên tên tuổi của Lê Lựu và được công chúng nhiều thế hệ biết tới.
Ngay từ những năm tháng của tuổi trẻ, nhà văn đã thể hiện tình yêu mãnh liệt với văn chương khi tự mình đi khắp đất nước để tìm cảm hứng và thu thập vốn văn chương để viết, kiếm tiền. Trong mắt bạn bè và đồng nghiệp, nhà văn Lê Lựu được nhận xét là một người chân chất, dung dị, được lòng nhiều người. Ông cũng là người sáng lập nên Trung tâm Văn hóa doanh nhân, giúp cung cấp việc làm cho hơn 50 nhân viên, tạo địa chỉ hội ngộ cho nhiều tên tuổi lớn. Nhưng rồi khi vẫn đang ở độ tuổi sung sức và đam mê cống hiến, bệnh tật triền miên đã lấy đi của ông tất cả. Từ năm 2006, sức khỏe của nhà văn Lê Lựu dần suy sụp sau vài lần tai biến rồi thêm đủ thứ bệnh như tiểu đường, bệnh tim, bệnh gout, phổi, tụy, thận, tiền liệt tuyến... Ông sinh hoạt khó khăn, phải nhờ đến người giúp việc lo cơm nước nhưng vẫn không ngừng kiên trì tập đứng, tập đi.
Nhiều bệnh tật là thế nhưng niềm đam mê sáng tác ở nhà văn không bao giờ ngừng, ông vẫn luôn giữ tinh thần tỉnh táo để sáng tác. Từ năm 2010 đến năm 2013, ông xuất bản ba cuốn sách mang tên Thời loạn, Ở quê ngày ấy và Gã dở hơi. Nhiều ngày bệnh không dậy nổi, ông nằm trên giường, đọc cho thư ký đánh máy. Đến năm 2016, khi đang viết dở tiểu thuyết "Kẻ chạy trốn", do bệnh tật hành hạ nên ông đã phải bỏ cuộc giữa chừng.
Những năm cuối đời ông sống một mình trong căn nhà ở phố Tam Trinh, Hà Nội. Khoảng 1 tháng trước khi mất, trước tình hình sức khỏe nghiêm trọng, con gái cả đã đưa ông về quê nhà để tiện chăm sóc. Bệnh tật, cô đơn khiến ông nhạy cảm, mau nước mắt, nhiều lần tự giễu về cái khổ của mình: “Thằng Núi trong Sóng ở đáy sông cũng đi tìm được chỗ đứng của nó, đến thằng Sài trong Thời xa vắng nó khốn khổ như thế mà cũng chưa khổ bằng tôi. Tôi đúng là bố của chúng nó về nhục nhã, mất mát”.
Sinh thời, nhà văn Lê Lựu vẫn luôn tự hào khi ông là nhà văn đầu tiên của Việt Nam được mời sang Mỹ thời kỳ hậu chiến. Ông đi để làm nhiệm vụ “bắc nhịp cầu văn hóa” và chỉ mong được về mảnh đất của mình để ăn rau, ăn cỏ, trồng rau cuốc đất sống như người nông dân.
Nhân vật Giang Minh Sài trong tiểu thuyết “Thời xa vắng” đã đưa tên tuổi của nhà văn Lê Lựu trở thành một trong những tiểu thuyết gia hàng đầu của Việt Nam, sánh vai cùng với các nhân vật như chị Dậu trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, anh Pha trong “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan, Xuân tóc đỏ trong “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng, lão Khúng trong “Phiên chợ Giát” của Nguyễn Minh Châu,...
Nhà thơ Anh Ngọc gọi nhà văn Lê Lựu là tài năng thiên bẩm về văn chương: “Ông không học cao, rèn luyện nhiều nhưng thành công nhờ lối viết giản dị, không màu mè, trung thực như chính con người ông. Tác phẩm Thời xa vắng của ông đã cắm một cột mốc đổi mới cho văn học Việt Nam, khi nhà văn không còn chạy theo miêu tả những điều hào nhoáng mà lắng nghe những khao khát từ chính nội tâm mình. Lê Lựu đóng con dấu về một thời xa vắng, một thời chúng ta không sống với đúng bản ngã của mình”.
Với nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên, thành công của nhà văn Lê Lựu là nhờ chất nông dân xuyên suốt những áng văn chương: “Lê Lựu viết "Thời xa vắng" là muốn nói đến thời đã qua khi con người không được sống thật với mình, sống với những thứ ngoài mình. Trong tiểu thuyết "Thời xa vắng", nhà văn Lê Lựu đã xây dựng nên hình tượng nhân vật Giang Minh Sài mang ít nhiều nét tự truyện của ông. Giang Minh Sài là nhân vật bi kịch khi nửa phần đời trước chạy theo thứ không phải của mình, nửa phần đời sau chạy theo điều mình không có. Một nhân vật con số 0, được nhào nặn theo ngoại cảnh bên ngoài, theo những áp đặt của người khác. Mỗi nhà văn chỉ cần có một tác phẩm, một nhân vật nổi bật ghi dấu ấn mình trong tâm trí bạn đọc. Lê Lựu đã có Thời xa vắng và đã có Giang Minh Sài”. “Suốt đời văn, Lê Lựu chỉ viết về chất nhà quê trong người mình và những người quanh mình, dù cho họ có sống ở thị thành bao năm đi nữa. Có lẽ vinh quang, thành công và cả cay đắng của Lê Lựu trong đời và văn cũng là từ đấy”, ông nói thêm.
Hay tin ông mất, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến, cây bút trẻ từng được ông hướng dẫn nhiều về văn chương, đã có đôi lời tiễn biệt:
“Thời xa vắng, khuất bóng rồi
Cành Lê trái Lựu rụng rời đường Thu
Làng Văn, xóm Khổ sương mù
Xác xơ những chuyến đò đưa phim trường
Xác xơ cả những vở tuồng
Anh hùng đứng khóc cuối đường mây bay
Thôi ông cứ uống rượu say
Mỗi xuân, mỗi giỗ, mỗi ngày nhớ ông!”
Trong suốt sự nghiệp văn chương của mình, nhà văn Lê Lựu đã giành nhiều giải thưởng như giải Nhì báo Văn nghệ 1968 cho truyện ngắn Người cầm súng, giải A Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990 trao cho tiểu thuyết Thời xa vắng, giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật đợt 1.
Chiều ngày 9/11, nhà văn Lê Lựu đã qua đời sau hơn 16 năm chống chọi với bệnh tật tại quê nhà ở Tân Châu, Khoái Châu, Hưng Yên. Ông hưởng thọ 81 tuổi. Lễ viếng diễn ra vào ngày 10/11, an táng lúc 13h30 ngày 11/11 tại nghĩa trang thôn Mạn Trù Châu, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên./.