Cụ thể, theo Quyết định số 2486, ngày 4/11/2022 của UBND tỉnh Đắk Lắk, trong thời gian từ tháng 11/2022 đến tháng 12/2026, tỉnh Đắk Lắk sẽ chi 55 tỷ 400 triệu đồng để thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi tại Đắk Lắk. Trong đó, Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) viện trợ hơn 50 tỷ đồng.
Mục tiêu dự án là triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi, chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi và nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà. Qua đó duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Dự án được triển khai tại Ban Quản lý rừng lịch sử, văn hoá, môi trường Hồ Lắk (ở huyện Lắk), Vườn quốc gia Yok Đôn, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk và các công ty du lịch đang hoạt động trên địa bàn huyện Buôn Đôn.
Ông Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) tại Việt Nam cho biết, dự án này là bước triển khai nội dung biên bản ghi nhớ hợp tác giữa AAF với UBND tỉnh Đắk Lắk đã được ký kết từ cuối năm ngoái, nhằm hướng tới chấm dứt sử dụng loại hình du lịch cưỡi voi cũng như các hoạt động ảnh hưởng đến phúc lợi của voi nhà trong du lịch và lễ hội, góp phần bảo tồn voi nhà tại địa phương.
"Sau khi được phê duyệt rồi thì chúng tôi có thể tiến tới những bước làm cụ thể hơn. Ngoài sự hỗ trợ của Tổ chức Động vật Châu Á thì chúng tôi cần có sự vào cuộc, đồng hành của UBND tỉnh Đắk Lắk để có những chỉ đạo xuống địa phương. Thứ nhất là về khu chăn nuôi voi như thế nào; thứ hai là đưa ra chính sách hỗ trợ cho những người chủ voi đã tương đối lớn tuổi để đảm bảo sinh kế của họ" - ông Tuấn Bendixsen cho biết.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, hiện nay toàn tỉnh chỉ còn 37 cá thể voi nhà, trong đó có 22 cá thể voi ở huyện Buôn Đôn, 14 cá thể voi ở huyện Lắk và 1 cá thể voi ở huyện Krông Ana. Con số này đã giảm mạnh so với đầu những năm 1980, khi mà cả tỉnh Đắk Lắk có hơn 500 cá thể voi nhà./.