Học giả An Chi tên thật là Võ Thiện Hoa, là một học giả, nhà nghiên cứu từ nguyên học nổi tiếng của Việt Nam. Ông sinh ngày 27/11/1935 và lớn lên ở xã Bình Hòa, Gia Định (nay thuộc quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) trong một gia đình cơ sở kháng chiến. Ông bảo: “Do đó, từ sớm, khoảng mười ba, mười bốn tuổi, tôi đã thích sách thân kháng chiến hoặc có nội dung chống Pháp”. Ngoài bút danh An Chi, ông còn được biết tới với những bút danh khác là Huệ Thiên, Huyện Thê, Viễn Thọ. Thời niên thiếu, ông từng theo học tại trường Chasseloup-Laubat (nay là trường THPT Lê Quý Đôn).
Năm 1956, ông đi tập kết ra miền Bắc. Tại đây, ông đã tham gia lực lượng thanh niên xung phong, xây dựng một số công trình như tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, Nhà máy chè Phú Thọ,… Sau đó, ông theo học tại trường Trung cấp Sư phạm Trung ương rồi đi dạy ở một trường cấp 2 tại Thái Bình. Ngoài ra, học giả An Chi còn từng làm thêm nhiều công việc khác như thợ máy, phụ trách thư viện, tạp vụ,... Sau này khi đất nước đã được thống nhất, ông trở lại miền Nam và công tác tại Sở Giáo dục TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2016, khi học giả An Chi 82 tuổi, ông đã cho ra mắt cuốn sách “Rong chơi miền chữ nghĩa”, đưa độc giả “rong chơi” qua đủ loại kiến thức kim cổ, đông tây khác nhau dưới ngòi bút khoa học tài tình của học giả An Chi. “Tôi vốn sinh ra học giỏi toán nên từng theo học bộ môn này ở trường Sư phạm. Sau này bạn bè khuyên tôi học mấy môn khoa học xã hội tốt nghiệp dễ xin việc làm nên tôi mới chuyển hướng qua văn học. Nhờ có vốn ngoại ngữ: Anh, Pháp, Tây Ban Nha và chữ Hán nên tôi có thể đọc nhiều loại sách khác nhau”, học giả An Chi hào hứng kể lại.
“Năm 9 tuổi, loạn lạc xảy ra liên miên nên gia đình cho tôi về Chợ Lớn học ở mấy trường người Tàu dạy nên tôi có bạn bè là người Hoa nhiều. Mấy tiệm gần nhà mua sách báo cân ký về gói hàng nên tôi hay qua chơi lùng đọc, nhờ vậy mà trao dồi, biết thêm nhiều kiến thức. Phía trước nhà, ba má tôi cho chị bán tạp hóa người Quảng Đông hành nghề nên rảnh rỗi tôi lại thọ giáo chị về cách phát âm chuẩn nhất. Sau này mới có điều kiện và vốn liếng từ ngữ để viết lách tranh luận với các cây đa cây đề trong lĩnh vực này”, ông nói thêm.
Cũng trong buổi giới thiệu cuốn sách này tại NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, nhà thơ Phan Hoàng - Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh đã bày tỏ lòng kính trọng đối với “bậc thầy chữ nghĩa”. “Bằng tình yêu nước mãnh liệt, thời trẻ ông An Chi tự mình vượt tuyến ra Bắc mang theo lá thư giới thiệu của một cán bộ cấp cao gửi giới thiệu cho một cán bộ cấp cao khác nhưng vì lòng tự trọng ông đã không đưa lá thư ấy mà chấp nhận những ngày tháng cơ cực tự khẳng định mình, như đi làm công nhân, dạy học rồi khi có thời gian lại mày mò nghiên cứu chữ nghĩa. Ở ông luôn hội tụ đầy đủ tính cách của người Nam bộ hào sảng và giản dị. Những vấn đề học thuật ông đưa ra đôi khi xảy ra tranh cãi gay gắt nhưng đều xuất phát từ sự nghiên cứu, đối sánh nghiêm cẩn, được trình bày khúc chiết, khoa học, “nói có sách, mách có chứng”, với một phong cách “rất An Chi” - thẳng thắn, không khoan nhượng, giàu cảm xúc”.
Học giả An Chi là một trong những nhà nghiên cứu tiếng Việt kỹ lưỡng với những chứng cứ, lý lẽ vững chãi và tranh biện đến cùng những vấn đề mà ông cho rằng mình đúng. Trong cuốn "Sài Gòn đất lành chim đậu" tập 1, viết về học giả An Chi, nhà thơ Phan Hoàng nhận định: "Ông không ngại đụng chạm đến những kiến giải sai lầm của các “cây đa cây đề” mà trước đó khá lâu giới nghiên cứu dường như tránh đề cập đến. Bản lĩnh hiếm có ấy của An Chi cùng kiến thức sâu rộng, luận chứng cụ thể, được trình bày logic và khúc chiết, dễ hiểu đã được đông đảo bạn đọc cùng giới nghiên cứu đồng tình".
Ông từng chỉ ra những chỗ sai trong Từ điển Truyện Kiều của GS. Đào Duy Anh và cả những điểm mà GS. Phan Ngọc sửa chữa “nâng cấp” không đúng về cuốn từ điển này. Rồi trong 2 cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Từ điển từ và ngữ Việt Nam đều của GS. Nguyễn Lân, ông cũng chỉ ra chính xác những “chỗ sai khó ngờ”.
Đối với việc biên soạn từ điển, học giả An Chi cho rằng: "Từ điển phải là khuôn vàng thước ngọc. Dứt khoát phải như thế. Nhưng đó chỉ là nguyên tắc chứ trong thực tiễn thì, nói chung, từ điển, dù có hoành tráng đến đâu, cũng khó lòng có thể tránh được sai sót một cách tuyệt đối”.
Trong quá trình nghiên cứu về tiếng Việt, học giả An Chi tâm đắc nhất là "từ láy". Ông đã lật lại, đi tận cùng vấn đề về “từ láy” trong tiếng Việt. An Chi đặt ra câu hỏi liệu quan niệm về "từ láy" xưa nay đã đúng? Học giả An Chi chia sẻ: "Tôi đọc Chánh tả Việt ngữ, bộ sách 2 quyển của Lê Ngọc Trụ (do nhà Nam Việt ở Sài Gòn xuất bản) năm 15 tuổi rồi từ đó mê luôn tiếng Việt, chữ Hán và từ nguyên. Thực ra, khi bắt đầu công việc nghiên cứu, tôi lại đi vào ngữ pháp tiếng Việt và đã có nhiều điều ghi chép mà tôi rất lấy làm tâm đắc, đặc biệt là về từ láy. Nhưng cũng chính khi đưa ra cách giải thích riêng về “nguyên lý” của từ láy thì tôi lại thấy phải đi vào từ nguyên”.
Say mê với chữ nghĩa khiến ông luôn không ngừng nghiên cứu, tìm tòi thêm nhiều tài liệu để củng cố vốn kiến thức sâu rộng của mình. Từ năm 1992- 2007, học giả An Chi cộng tác với Tạp chí Kiến thức Ngày nay và phụ trách chuyên mục “Chuyện Đông, chuyện Tây” cùng nhà thơ Phan Hoàng, nhà báo Lê Khắc Cường. Đây là chuyên mục thu hút rất nhiều người đọc, nhưng cũng gây dậy sóng dư luận bởi lối suy nghĩ khác, cách phân tích, giải thích khác các học giả tiền bối và đụng chạm tới các tượng đài ngôn ngữ thời đó trong bài viết đăng tải trên Tạp chí. Điều này đã khiến ông bị buộc ngưng chuyên mục phụ trách trong 5 kỳ. Về hưu non ở tuổi 45, ông trở về với thú vui nuôi chim kiểng và tập trung viết sách.
Sau này, những kiến thức và giải thưởng của ông đã được tập hợp lại thành các tác phẩm nổi tiếng: "Chuyện Đông chuyện Tây", "Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm", "Từ Thập Nhị Chi đến 12 con giáp", "Câu chữ Truyện Kiều", bộ sách "Rong chơi miền chữ nghĩa"… Đặc biệt bộ sách "Chuyện Đông chuyện Tây" đã đem tới cho người đọc nhiều kiến thức từ Đông sang Tây bằng những lý giải khoa học thuyết phục. Bộ sách đã đoạt Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ hai.
Là người viết lời tựa cho bộ sách "Chuyện Đông chuyện Tây", sinh thời Giáo sư Cao Xuân Hạo đánh giá rất cao học giả An Chi. Nói về học giả An Chi, Giáo sư Cao Xuân Hạo dành nhiều tình cảm: “Quả có nhiều người hình dung An Chi là một cụ già đầu bạc trán hói, thông kim bác cổ, suốt ngày vùi đầu trong những đống sách cũ kỹ. Trong trí tưởng tượng của họ, An Chi gần như là một nhân vật huyền thoại, khó lòng có thật trong cuộc sống còn nhiều hàng dỏm, sách dỏm và trí thức dỏm này”. Những cống hiến khoa học của An Chi cũng được các nhà ngữ học nổi tiếng như Nguyễn Đức Dương, Hoàng Dũng, Lý Việt Dũng trân trọng.
Những năm gần đây, dù tuổi ngày càng cao nhưng hàng ngày học giả An Chi vẫn hăng say, miệt mài làm việc. Ngày 12/10, ông đã dừng cuộc rong chơi chữ nghĩa ở nhân gian để về cõi khác nhưng di sản kiến thức của học giả An Chi vẫn sẽ còn nguyên giá trị, sống mãi đối với các thế hệ sau. Xin vĩnh biệt ông - một nhà giáo, bậc thầy về chữ nghĩa, người đã dành cả một đời cống hiến cho tiếng Việt, vì tiếng Việt./.