Sự liên kết còn rời rạc

Du lịch là một ngành kinh tế, dịch vụ tổng hợp liên quan đến các lĩnh vực như: Giao thông vận tải, văn hóa, công thương, xây dựng... Tuy nhiên, ở TP.HCM, việc liên kết phối hợp giữa các ngành này với ngành du lịch vẫn chưa nhịp nhàng.

Ông Nguyễn Thanh Hiếu – Trưởng phòng Đài quan sát Sài Gòn của Tháp Tài chính, Tòa nhà Bitexco cho biết, Bitexco là một điểm du lịch thu hút rất đông khách cả trong và ngoài nước, nhưng việc đưa các đoàn khách đến đây đang gặp khó do xe bị cấm dừng đậu xung quanh tòa nhà.

Không chỉ giao thông đường bộ, giao thông đường thủy cũng là một vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực du lịch. Ông Phan Xuân Anh-Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Nhiêu Lộc – Thị Nghè cho rằng, TP khuyến khích phát triển du lịch đường thủy nhưng lại không có bến bãi cầu tàu cho thuyền bè neo đậu. Một số nơi có bến neo đậu nhưng lại không cho xây dựng các công trình dịch vụ đi kèm để phục vụ khách như: Nhà chờ, nơi gửi xe, không cho buôn bán ăn uống giải khát tại bến. Doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng nhưng lại vướng cơ chế, điều kiện đặt ra quá khó khăn, ngặt nghèo và chưa có sự thống nhất.

Ông Phan Xuân Anh nói: "Ven sông ven hồ của TP.HCM hiện nay hầu hết là đất công. Như tôi cách đây mấy năm đầu tư ở bến Nhiêu Lộc – Thị Nghè, thời nhiệm kỳ của các lãnh đạo TP.HCM trước đã đồng ý, chỉ cho tôi chỗ đầu tư làm bến tàu neo đậu. Tôi đã gấp rút đầu tư làm 2 bến với hàng tỷ đồng thì đến năm ngoái chuyển đổi, Sở Xây dựng lại bảo đây là đất công phải đấu thầu. Như vậy sao 5 năm trước không nói đấu thầu đi để doanh nghiệp tính chứ giờ làm xong rồi mới nói đấu thầu. Tức là chúng tôi cần TP hãy thống nhất cách làm đi để doanh nghiệp làm".

Bên cạnh hạ tầng giao thông, xây dựng, các doanh nghiệp du lịch lữ hành cũng kiến nghị, trong lĩnh vực văn hóa, TP nên có các chương trình nghệ thuật, sự kiện lớn, hấp dẫn để thu hút khách hơn.

Bà Lê Quỳnh Thư – Giám đốc Công ty Apex nói: “Hiện giờ nói về sân khấu du lịch thì TP.HCM chúng ta thực sự là chưa có, chúng ta chỉ có một số chương trình phục vụ du lịch thôi, ví dụ như À Ố show. Nhưng những sân khấu du lịch thì chưa có trong khi đó có rất nhiều những mặt bằng tốt, đẹp ở TP.HCM dư sức để mở những sân khấu du lịch này”.

Cần những chính sách ưu đãi, hỗ trợ về tài chính

Ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 và theo dự báo của các chuyên gia, ngành du lịch khó có thể phục hồi trong vòng 1-2 năm tới, nhất là thị trường quốc tế. Ngoài rào cản về dịch bệnh vẫn còn duy trì ở nhiều quốc gia thì việc người dân thắt chặt chi tiêu, tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu và sự bất ổn chính trị ở một số thị trường truyền thống như Nga, Ukraine cũng khiến ngành du lịch thành phố bị ảnh hưởng. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng các gói hỗ trợ của Chính phủ về tài chính, thuế, vốn vay… sẽ được duy trì và tăng cường hơn nữa.

Bà Võ Thị Hương Thanh–Giám đốc khách sạn Liberty đề nghị: "Mong các cấp, các ban ngành tiếp tục duy trì một số gói hỗ trợ các doanh nghiệp làm ngành du lịch để chúng tôi yên tâm làm nghề và cùng phát triển. Trước đây chúng tôi có gói giảm giá điện cho các doanh nghiệp khách sạn và gói giảm thuế giá trị gia tăng nhưng hình như đến đầu năm sau thì thuế sẽ trở lại như cũ. Chúng tôi mong là được duy trì những hỗ trợ đó”.

Còn bà Đặng Thị Thi Thanh – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Bến Thành đề xuất thêm: "Hiện nay nhiều tập đoàn có xu hướng muốn quyết toán sau khi kết thúc tour, trong khi các dịch vụ đầu vào (hãng bay, lưu trú, điểm tham quan, vận chuyển) thì lại yêu cầu chúng tôi phải thanh toán trước. Mà sau dịch thì năng lực của doanh nghiệp lữ hành như chúng tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều nên gây ra áp lực khá lớn về dòng tiền, về nguồn vay”

Hiện nay, các doanh nghiệp du lịch ở TP.HCM đang gặp những khó khăn khác nhau. Vì thế rất cần những chính sách hỗ trợ quyết liệt, mạnh mẽ hơn từ các cấp chính quyền để giúp ngành nhanh chóng phục hồi và phát triển./.