Bức tranh đa màu sắc về cuộc sống của người Hà Nội bình dân

Mong đợi, hồi hộp rồi… tĩnh lặng đầy suy tư – là tâm trạng chung của khán giả yêu điện ảnh dành cho tác phẩm cuối đời của đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh. Tác phẩm đưa người xem trở lại Hà Nội của những năm 2010, ở đó khó có thể xác định tuyến nhân vật chính, phụ rành mạch như những bộ phim thường thấy. Đó có thể là câu chuyện đời của một chú bé đánh giày, một ông thợ cắt tóc vỉa hè, một ông giáo già dạy hát cho dàn đồng ca học sinh khiếm thị hay chị nông dân lên Hà Nội làm nghề giúp việc…. Những mảnh đời rời rạc ấy kết thành bức tranh đa màu sắc về cuộc sống của người Hà Nội bình dân.

Nghệ sĩ Hoàng Huy - ông thợ cắt tóc của “Hoa nhài” chia sẻ: “Phim “Hoa nhài” nói về bước chuyển mình của xã hội trong đó có Hà Nội, từ thời bao cấp sang thời kinh tế thị trường. Con người ta vẫn giữ được nét của người Hà Nội. Nhân vật ông thợ cắt tóc cũng đại diện cho bà con người Hà Nội sống dân dã, ông đã cưu mang một cậu bé đánh giầy và cùng rất khắt khe dạy bảo câu nhưng nề nếp cũ”.

“Hoa nhài” khắc họa cuộc sống của người Hà Nội ở thời điểm bắt đầu quen thuộc với kinh tế thị trường, thành thị đổi thay tác động trở lại nông thôn vốn yên ả. Tuy nhiên, thông điệp về sự hàn gắn bởi tấm lòng của con người trong đời sống thị thành những tháng năm ấy lại rất gần với ngày hôm nay, những người vừa bước qua rạn vỡ và biến cố của đại dịch. Như nhiều bộ phim trước đó của đạo diễn Đặng Nhật Minh, bộ phim vẫn mang phong cách dung dị, không tập trung vào những yếu tố kịch tính mà đi sâu vào mối quan hệ giữa các nhân vật. “Hoa nhài” cho thấy chỉ có lòng nhân ái, sự quan tâm sẻ chia mới có thể là chất keo gắn kết cuộc sống để nó trở nên bền vững, ý nghĩa. Tác phẩm của NSND Đặng Nhật Minh nhẹ nhàng nhưng lại vô cùng ấm áp với những câu chuyện tình người.

Nghệ sĩ Hoàng Huy chia sẻ: “Tôi thấy rất sung sướng, không có gì sung sướng bằng từ sách lên phim, vì số lượng người đọc sách không bằng người xem phim, phải nói là tôi rất hạnh phúc. Hoa Nhài xuất phát từ câu ca dao xưa “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Hoa nhài nói về những người dân Hà Nội bình dân và họ có một vẻ đẹp tâm hồn bên trong”.

13 năm sau khi ra mắt phim “Đừng đốt”, khán giả mới được thưởng thức tiếp một bộ phim của NSND Đặng Nhật Minh. Vị đạo diễn gạo cội đã hơn 80 tuổi, mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng vẫn đam mê với từng khuôn hình, từng góc máy. “Hoa nhài” là bộ phim cuối cùng của ông khiến  rất nhiều khán giả đã cố gắng được xem tác phẩm này.

Bạn Nguyễn Sơn, khán giả của Hoa nhài hồ hởi nói: “Khi biết có phim của bác Minh em đã rất háo hức, em còn cố kiếm vé để đưa bố mẹ em đi xem. Đây là một bộ phim về người dân Hà Nội, một bộ phim khiếm chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều”.

Thông điệp về sự hàn gắn

Trước buổi công chiếu “Hoa nhài”, công chúng yêu điện ảnh Việt rất xúc động khi Ban tổ chức Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 6 dành thời gian tôn vinh NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh. Những bộ phim làm lên tên tuổi của ông như: “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Cô gái trên sông”, “Đừng đốt”… một lần nữa được nhắc đến, khẳng định cho tài hoa, lòng nhiết huyết cùng tình yêu điện ảnh của ông.

Ở độ tuổi 84, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh vẫn luôn cống hiến và thể hiện niềm đam mê bất tận với điện ảnh, đó cũng là lý do ông nhận được nhiều tình cảm và sự yêu mến của các thế hệ khán giả yêu phim Việt.

Phát biểu cảm xúc trước buổi công chiếu bộ phim, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh bộc bạch: “Tôi xin cám ơn đông đảo anh em làm phim đã giúp đỡ. Tôi cũng xin cám ơn bạn bè trong nước, ngoài nước và cám ơn những người thân trong gia đình đã cổ vũ, động viên. Trên hết, tôi cám ơn Hà Nội và những người Hà Nội mà chúng tôi thường gặp hàng ngày trên đường phố. Những người đã truyền cho chúng tôi cảm hứng để làm ra bộ phim”.

“Hoa nhài là những câu chuyện xuất phát từ những trải nghiệm của tôi trong cuộc sống ở Hà Nội, nơi tôi gắn bó gần 60 năm; là những câu chuyện ở xung quanh tôi thôi, ở ngay phố Lò Đúc nơi tôi sống, ngồi quán nước là thấy, chẳng đâu xa cả. Những trải nghiệm đó khiến tôi rung động, chín muồi, rồi bật ra trên trang giấy, rồi trên hình ảnh”, vị đạo diễn chia sẻ.

Bộ phim “Hoa nhài” được ra đời khi đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã ngoài 80 tuổi và càng đặc biệt hơn khi phim được quay và hoàn thành trong hai năm dưới tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Năm nay phim gấp rút được hoàn thành và trở thành phim mới duy nhất của Điện ảnh Việt Nam được chọn tham dự ở hạng mục phim dài trong khuôn khổ LHP quốc tế Hà Nội lần thứ 6.

Ngài Đại sứ Italy Antonio Alexandro và phu nhân cũng đến tham dự buổi chiếu phim và chia sẻ: “Chúng tôi rất vui khi biết “Hoa nhài”, bộ phim cuối cùng của đạo diễn Đặng Nhật Minh được chiếu khai mạc Haniff và hai vợ chồng tôi đã thu xếp thời gian để có thể có mặt ở buổi chiếu ngày hôm nay. Đạo diễn Đặng Nhật Minh là một trong những đạo diễn hàng đầu của điện ảnh Việt nam và chúc mừng ông ra mắt phim mới".

“Hoa nhài” là bức tranh lắp ghép khắc họa cuộc sống của người Hà Nội những năm 2000, thời điểm rất xa trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, thông điệp về sự hàn gắn bởi lòng tốt của con người trong đời sống thị thành những tháng năm ấy lại rất gần với chúng ta của hôm nay, những người vừa bước qua rạn vỡ và biến cố của đại dịch.

Những mảnh đời riêng rẽ ấy lại kết thành bức tranh đa màu sắc về cuộc sống của người Hà Nội thuộc tầng lớp bình dân những năm 2000. Ở đó, người ta thấy những biến động của Hà Nội trong quá trình chuyển mình vươn lên và mối quan hệ giữa nó với những vùng lân cận.

Cuộc sống luôn luôn vận động, làm thay đổi môi trường sống, làm rạn nứt những mối quan hệ giữa con người với con người. Chỉ có lòng nhân ái, sự quan tâm sẻ chia mới có thể là chất keo gắn kết cuộc sống để nó trở nên bền vững, ý nghĩa./.