Nhà thơ Phan Vũ viết “Em ơi! Hà Nội phố” vào năm 1972, trên căn nhỏ phố Hàng Bún. Những câu thơ đầu tiên của trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” ra đời trong tiếng mưa bom B-52 của Mỹ xối xả thả xuống bầu trời Hà Nội. Bản trường ca tráng lệ về Hà Nội viết trong một thời gian dài được tác giả tái hiện lại một thủ đô Hà Nội bằng ký ức bạn bè, góc phố, tiếng chuông nhà thờ, tiếng sóng Hồ Tây…
Bài thơ được bắt đầu từ những khung cảnh bình yên của Hà Nội như một lời thầm thì tình tự:
Em ơi! Hà Nội phố/ Ta còn em mùi hoàng lan/ Ta còn em mùi hoa sữa/ Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya/ Cọt kẹt bước chân quen/ Thang gác thời gian/ Mòn thân gỗ/ Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ...
Chân dung nhà thơ Phan Vũ. Ảnh: Du Nguyên/ Dân Trí |
Em ơi! Hà Nội phố dài 443 câu thơ với 24 đoạn thơ như 24 đoạn thời gian nhắc nhở về những gì còn lại của Hà Nội phố, sau bom đạn và sau những dâu bể. Chính vì vậy mỗi đoạn đầu của thơ điệp từ "Ta còn em" cứ vang mãi, ngân dài và được nhắc lại tới 45 lần trải dài từ đầu đến cuối bài thơ. Trong một tác phẩm mà một điệp từ được nhắc nhiều đến vậy sẽ dẫn đến sự nhàm chán nhưng qua bàn tay của nhà thơ Phan Vũ nó lại trở nên lấp lánh và hấp dẫn, đẹp lạ thường, đem lại cho người đọc những day dứt, ngóng chờ về một hồi ức đẹp.
Điệp từ “Ta còn em...” còn có nghĩa “ta mất em...”, thể hiện sự tiếc nuối về một Hà Nội đã mất đi nhiều thứ đẹp đẽ. Sự mất mát đó không chỉ do chiến tranh mà còn do sự vô tình của người đời, sự lãng quên của thời gian. Nhà thơ Phan Vũ đã đưa vào thơ cả cuộc sống của ông ở Hà Nội. Mỗi trang viết, mỗi câu thơ đậm chất lãng mạn, tiếc nuối và hoài niệm. “Tôi ghi lại một cách vội vàng, theo sự tình cờ, bất chợt, không xếp đặt. Tất nhiên, trong một quá trình dài dặc nửa thế kỷ, bài thơ không thể nằm yên trong ngăn kéo mà luôn cựa quậy, bắt tôi phải chỉnh sửa nhiều lần. Nhiều khi có vài ly rượu ngà ngà lại chợt nhớ, chợt thương một nỗi niềm, chợt tìm thấy một dáng, một hình, một con chữ cần thêm, cần bớt”, khi còn sống nhà Phan Vũ đã từng chia sẻ như vậy.
Trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” có nhiều “tam sao thất bản” vì chủ yếu đến với độc giả qua con đường truyền miệng. Bài thơ có nhiều phiên bản đến nỗi ngay chính tác giả nhiều lúc cũng không nhận ra. Tác phẩm này được in một lần duy nhất vào năm 2008 ở Huế. Tuy nhiên, không phổ biến lắm nên ít được bạn đọc biết đến.
Mãi đến năm 1985 nhà thơ Phan Vũ tình cờ gặp nhạc sĩ Phú Quang tại TP Hồ Chí Minh. Cuộc trò chuyện giữa hai con người đều có tình yêu đặc biệt về Hà Nội để rồi bản trường ca của nhà thơ Phan Vũ được khoác lên mình một chiếc áo bằng âm nhạc. Từ 443 câu thơ, trong đó có 21 câu được nhạc sỹ Phú Quang phổ nhạc. Bài hát “Em ơi Hà Nội phố” đã ra đời như vậy. Khi còn sống, nhà thơ Phan Vũ vẫn thường nói “Chính nhạc sĩ Phú Quang đã giúp khai sinh một bài thơ mà công chúng chưa hề biết đến, để rồi giúp "Em ơi! Hà Nội phố" vang mãi đến bây giờ”.
Những bức vẽ do chính tay nhà thơ Phan Vũ vẽ, lấy cảm hứng từ chính bài thơ mình sáng tác cách nay gần nửa thế kỷ. Ảnh: Du Nguyên/Dân Trí |
Khi nói về nhà thơ Phan Vũ, nhạc sĩ Phú Quang luôn dành cho ông những tình cảm trân quý nhất đối với một người anh, người nghệ sĩ tài hoa: “Từ hôm qua, tôi đã biết về tình trạng sức khỏe của nhà thơ Phan Vũ. Sáng nay, nghe tin anh Phan Vũ trút hơi thở cuối cùng, tôi buồn lắm! Tôi biết, vòng đời sinh- lão- bệnh- tử là không thể tránh, nhưng khi nghe tin anh đi tôi vẫn buồn. Tôi lại càng áy náy khi ước muốn qua nhà anh mua bức tranh về treo trong nhà làm kỷ niệm, sự tri ân mà vì sức khỏe, chưa thực hiện được. Anh Phan Vũ là nghệ sĩ tài năng khi vừa là nhà thơ, họa sĩ, đạo diễn… Ở lĩnh vực nào, anh cũng có những thành tựu nhất định.
Anh Phan Vũ rất quý tôi. Cũng nhờ anh mà tôi có được “Em ơi, Hà Nội phố”. Đó là bài hát nổi tiếng đầu tiên của tôi và cũng là bài hát đầu tiên để mọi người biết đến tên Phú Quang”.
Nhắc về tác phẩm nổi tiếng của mình, nhạc sĩ Phú Quang cho biết khi được nhà thơ Phan Vũ đọc cho nghe tác phẩm “EM ơi! Hà Nội phố”, nhạc sĩ Phú Quang xúc động nói với nhà thơ Phan Vũ rằng chắc chắn sẽ có một bài hát hay. Và nhạc phẩm "Em ơi, Hà Nội phố" đã in dấu ấn sâu đậm trong lòng rất nhiều khán giả.
"Vẫn biết một bài ca có đáng là bao để trả món nợ ra đi nhưng khi "Em ơi, Hà Nội phố" được viết ra, tôi đã giải thoát dù chỉ phần nào. Và dẫu chỉ là ít ỏi thì tôi cũng đã xây dựng được chút gì cho kỷ niệm về Hà Nội - nơi chứng kiến bao buồn vui của tôi trong suốt nửa cuộc đời" - nhạc sĩ Phú Quang bộc bạch về ca khúc nổi tiếng được viết như trả món nợ thương nhớ Hà Nội.
Những ca từ trong “Em ơi Hà Nội phố” thực sự khiến trái tim những ai yêu Hà Nội đều thấy nao nao. Nhất là với những người con sinh sống nơi đất khách quê người mà mỗi khi nghe âm điệu bài hát lại thấy nhớ Hà Nội đến cồn cào, da diết.
Và hôm nay, nhà thơ Phan Vũ đã thanh thản về miền cực lạc mang theo một tình yêu với Hà Nội cùng với lời hẹn sớm trở lại Hà Nội mà ông chưa thực hiện được. Sự ra đi của ông dù đã được đoán định trước nhưng nhiều bạn bè cũng như công chúng yêu mến đã vô cùng tiếc nuối về một con người tài năng như Phan Vũ
“Chỉ một bài thơ mà khái quát cả Đất và Người Hà nội! Cảm ơn ông đã để lại cho Hà nội một tác phẩm nghệ thuật!”; “Đúng là một tác phẩm tuyệt đẹp. Bài thơ khi được phổ nhạc đã đi vào lòng người”; “Tưởng như có mình trong bài thơ của ông. Vĩnh biệt một người yêu Hà Nội đến mê mẩn qua những vần thơ....”; “Tôi rất thích và thường hát bài này do Phú Quang phổ nhạc. Đối với tôi đó là bài hay nhất và lãng mạn nhất về Hà Nội!”…Đó chỉ là phần nào những lời chia sẻ chân tình của những độc giả yêu mến nhà thơ tài hoa Phan Vũ khi nghe tin ông qua đời.
Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thủy cho biết lý do chị tìm đọc lại bài thơ Em ơi! Hà Nội phố: “Mình nhớ mãi một câu trong bài viết ấy, bác Phan Vũ bảo, khi tôi viết “Ta còn em” là thật ra, tôi biết “tôi mất em”... mất những gì “thực Hà Nội”: “Em ơi! Hà Nội - phố... Ta còn em một Hàng Đào. Không bán đào. Một Hàng Bạc. Không còn thợ bạc. Đường Trường Thi. Không chõng, không lều. Không ông Nghè bái tổ vinh qui...”. Vì thế mà mình tìm đọc bài thơ này. Ấn tượng đầu tiên là, sao có cái bài thơ dài đến thế này. Ấn tượng thứ hai là, sao có bài thơ dài dằng dặc mà hay đến thế này. Đọc đến miên man. Đọc đến mất mát...Với mình, đây là bài thơ đẹp nhất về Hà Nội”.
Nhà văn Hoài Hương cho biết từ ngày nhà thơ Phan Vũ chuyển về Vũng Tàu sống nên ít có dịp gặp. Chị thường xuyên hỏi thăm sức khỏe ông qua facebook. Nay nghe tin ông mất chị rất buồn và tiếc thương một con người tài hoa. “Bài thơ “Em ơi! Hà Nội phố của nhà thơ Phan Vũ rất hay. Tác phẩm giống như một thiên trường ca về Hà Nội bi tráng. Đọc mà chảy nước mắt vì những vẻ đẹp, vì sự mất mát đau thương, vì sức sống mãnh liệt ngầm chứa trong câu thơ về Hà Nội và người HN”, nhà văn Hoài Hương chia sẻ.
BOX: Nhà thơ Phan Vũ tên thật là Trần Hồng Hải, sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Không chỉ là nhà thơ, ông còn được biết đến với các vai trò khác như tác giả kịch bản, đạo diễn sân khấu, đạo diễn điện ảnh, họa sĩ. Những tác phẩm của ông được công chúng mền mộ như: Lửa cháy lên rồi (giải thưởng Văn học năm 1955), Thanh gươm và Bà mẹ, kịch bản phim Dòng sông âm vang.
Đến nay, ngoài “Em ơi! Hà Nội phố” được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc và lên sóng phát thanh năm 1987, qua giọng ca Lệ Thu, Phan Vũ còn là tác giả phần lời của ca khúc “Tình ca cho em” của nhạc sĩ Nguyễn Nam, được biết đến qua tiếng hát Hồng Hạnh. Đầu những năm 1990, Phan Vũ chuyển qua vẽ tranh, lui về ở ẩn và có một số triển lãm chung và riêng tại TP.HCM.