Tỉnh biên giới Lạng Sơn có nhiều dân tộc anh em như Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa.... cùng chung sống từ lâu đời tạo nên bản sắc văn hóa bản địa đa dạng. Đây cũng là lợi thế để ngành du lịch Lạng Sơn tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, nhằm đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những giai đoạn tiếp theo.
Không gian "phố đi bộ" là mô hình đang được nhiều địa phương áp dụng nhằm tạo môi trường sống xanh và thu hút du khách tham quan chi tiêu... Tuy nhiên, làm thế nào đa dạng hoá hoạt động trải nghiệm cho du khách lại là bài toán khó. Những người làm du lịch Lạng Sơn đã tạo nét riêng cho những tuyến phố đi bộ của mình, khi triển khai nhiều loại hình trình diễn nghệ thuật của các dân tộc thiểu số để vừa góp phần bảo tồn, quảng bá các di sản văn hoá phi vật thể, vừa tạo sự hấp dẫn riêng có cho du khách khi đến với mảnh đất xứ Lạng. Tại đây, du khách có thể chiêm ngưỡng điệu múa sư tử mèo truyền thống của đồng bào Tày, Nùng; thưởng thức những câu sli mượt mà đằm thắm hay tham gia nhiều trò chơi dân gian như đi cà kheo, ô ăn quan, tập viết thư pháp…
Nghệ nhân nhân dân Nông Thị Lìm và các diễn viên quần chúng huyện Cao Lộc đem đến không gian phố đi bộ những điệu then cổ phục vụ du khách và người dân. Bà nói: “Nhà nước rất quan tâm đến bản sắc văn hóa của các dân tộc. Lễ hội văn hóa tại phố đi bộ này được tổ chức công phu, chu đáo và thực tế với nhân dân... Ít khi có một lễ hội bảo tồn văn hoá dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số đông vui, phong phú như thế này”.
Với mục tiêu từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Lạng Sơn đã kết hợp khai thác thế mạnh là cảnh quan thiên nhiên và sự độc đáo của văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cho biết địa phương cũng nghiên cứu, triển khai những đề án bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc như nghệ thuật hát Soóng Cọ của đồng bào Sán Chỉ, nghi lễ Then và múa Sư tử mèo của người Tày, Nùng…
“Chúng tôi mong muốn đem không gian văn hóa các dân tộc huyện Cao Lộc về giữa lòng thành phố Lạng Sơn, qua đó không chỉ giúp cho đồng bào các dân tộc huyện Cao Lộc mà còn giúp cho người dân ở toàn tỉnh và du khách thập phương biết đến những giá trị văn hóa truyền thống của huyện, đồng thời góp phần nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi người” - ông Nguyễn Văn Thịnh nói.
Vào khung giờ 18h - 24h các ngày cuối tuần hay dịp lễ, không gian phố đi bộ Kỳ Lừa có các hoạt động văn hóa – văn nghệ. Nhân dân và du khách trải nghiệm các trò chơi dân gian, thưởng thức những làn điệu dân ca các dân tộc thiểu số, thưởng thức các món ẩm thực đặc sắc của xứ Lạng… Các hộ kinh doanh khu vực tuyến đường xung quanh chợ Kỳ Lừa và các tuyến đường Lê Lai, Trần Quốc Toản, Lương Văn Tri, khu vực đường Bắc Sơn và đền Tả Phủ... bán các mặt hàng lưu niệm, hàng ẩm thực, giải khát, các sản phẩm nông đặc sản của Lạng Sơn…
Lạng Sơn - vùng đất biên giới cực Bắc với các tập quán đặc sắc, phong tục chợ phiên, ẩm thực, trang phục độc đáo của các dân tộc thiểu số còn có tiềm năng hình thành các chuỗi liên kết du lịch, kết hợp các sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lễ hội... Thực tế cho thấy các sản phẩm du lịch văn hóa mang những nét truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn thu hút lượng du khách không nhỏ đến với Lạng Sơn trong thời gian gần đây.
Ông Nguyễn Phúc Hà - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Chúng tôi đã cụ thể hoá những chương trình, kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh, trong đó có việc xây dựng, phát triển các tuyến, điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh và tập trung vào xây dựng các sản phẩm du lịch cụ thể tại các địa phương, trong đó chú trọng khai thác những sản phẩm khác biệt để thu hút khách du lịch".
Những giá trị văn hóa truyền thống bản địa đang là tài nguyên phong phú được Lạng Sơn khai thác, góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.