Với mong muốn giới thiệu đến khán giả những kiệt tác văn chương thế giới, Nhà hát Kịch Việt Nam đang hoàn thiện vở kịch “Hồng lâu mộng”, dựa theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Trung Quốc Tào Tuyết Cần. Lần đầu lên sân khấu Việt, vở diễn được nghệ sĩ Chua Soo Pong người Singapore đạo diễn. 

Không tham vọng sân khấu hóa toàn bộ tiểu thuyết nổi tiếng này, vở diễn chỉ là một số lát cắt có chủ ý để các nghệ sĩ kể lại câu chuyện tình yêu trắc trở giữa hai nhân vật trung tâm là Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc.

PV VOV trò chuyện với đạo diễn Chua Soo Pong về một số vấn đề khi dàndựng vở kịch này.

vov_1_nonb.jpg
Đạo diễn Chua Soo Pong hướng dẫn diễn viên tập "Hồng lâu mộng".

PV: Thưa đạo diễn Chua Soo Pong! Điều gì khiến ông hứng thú với sân khấu Việt Nam và gần đây liên tiếp dựng nhiều vở cho Nhà hát Kịch Việt Nam?

Đạo diễn Chua Soo Pong: Tôi đến với sân khấu Việt Nam từ năm 1991, khi gặp nghệ sỹ ba-lê Phạm Anh Phương tại Hàn Quốc. Hai năm sau tôi đến Hà Nội tham gia hội thảo về tư liệu hóa nghệ thuật biểu diễn.

Lần đầu đến Hà Nội tôi được đạo diễn, nhà giáo nhân dân Lê Đăng Thực giới thiệu gặp NSND Lê Tiến Thọ, được mục sở thị nghệ thuật tuồng, sau đó tôi còn trở lại Việt Nam tham gia hội thảo văn hóa phi vật thể và khám phá thêm chèo, cải lương.

Trước đó, tôi được gặp giáo sư Trần Văn Khê. Vì mối thâm tình với giáo sư Khê và bạn bè Việt Nam nên tôi cố gắng sắp xếp thời gian để dựng vở "Hồng lâu mộng" dù hiện nay tôi cũng khá bận với lịch dựng vở ở Trung Quốc, Singapore và Thái Lan.

PV: “Hồng lâu mộng” là một tiểu thuyết dài, phản ánh nhiều nội dung, từ tình bạn, tình yêu, rồi từ các mối quan hệ gia đình, xã hội… Vậy trong lần lên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam, ông chọn những lát cắt nào cho phù hợp với khán giả?

Đạo diễn Chua Soo Pong: "Hồng lâu mộng" là tiểu thuyết rất dài, rất nhiều chương. Nhưng lần này lên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam, tôi chỉ chú ý đến những lát cắt về tình yêu. Tại sao lại có sự lựa chọn này? Bởi qua nhiều lần xem các tác phẩm sân khấu của các bạn như tuồng, chèo, cải lương và các vở kịch nói, tôi thấy đề tài tình yêu rất được ưa chuộng.

Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đã từng dựng rất nhiều vở kịch về tình yêu phương Tây. Do đó "Hồng lâu mộng" sẽ là câu chuyện về tình yêu của phương Đông. Qua đó, tôi muốn khán giả có thể so sánh, cũng như biết thêm về một nền văn hóa mới.     

PV: Ông có hài lòng với dàn diễn viên của "Hồng lâu mộng" không? Vì lý do gì ông chọn Diễm Hương cho vai Lâm Đại Ngọc, Tô Tuấn Dũng cho vai Giả Bảo Ngọc?

Đạo diễn Chua Soo Pong: Khi chọn diễn viên cho một vở diễn nào đó, với tôi tốt nhất vẫn là những diễn viên có ngoại hình hay cử chỉ giống với nhân vật. Tuy nhiên nếu có diễn viên mang phong thái của nhân vật nhưng gương mặt lại chưa được giống lắm thì lúc đó tôi có thể nhờ vào công nghệ hóa trang.

Đặc biệt, với những vai diễn nặng ký như Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc thì khả năng diễn xuất của diễn viên là rất quan trọng. Bởi trong vở này có rất nhiều đoạn diễn viên phải hát, phải múa để thể hiện cảm xúc về tình yêu những lúc nồng nàn, say đắm nhất… Có thể nói là, khi chọn diễn viên cho vở kịch này, tôi thấy họ toát lên một điều gì đó mà tôi thấy rất phù hợp.

PV: Tôi thấy ở vở diễn này ông làm mẫu cho diễn viên rất nhiều. Ông có sợ cách “cầm tay chỉ việc” này sẽ làm mất đi sự sáng tạo của diễn viên?

Đạo diễn Chua Soo Pong: Không! Tôi chỉ hướng dẫn cho toàn bộ diễn viên trong 4 ngày đầu thôi, sau đó mỗi diễn viên phải tự sáng tạo theo hướng dẫn, theo cái sườn mà tôi đưa ra. Tôi chỉ phân tích tâm lý, cảm xúc, tình cảm của nhân vật cho diễn viên, từ đó diễn viên có thể dễ dàng sáng tạo cho vai diễn của mình.

PV: Vâng xin cảm ơn ông!/.