Tỉnh Vĩnh Long hiện có làng nghề chuyên sản xuất gạch gốm đỏ tập trung ở huyện Mang Thít và Long Hồ. Lúc cao điểm tỉnh có khoảng 2.800 miệng lò của 1.326 cơ sở sản xuất gạch ngói và gốm mỹ nghệ xuất khẩu. Riêng nghề gốm mỹ nghệ xuất khẩu, trên địa bàn tỉnh có khoảng 800 miệng lò của 126 cơ sở, với các loại hình công ty cổ phần, công ty TNHH, 56 doanh nghiệp tư nhân và 58 cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Để giữ gìn và phát triển làng nghề này, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định thông qua chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm thuộc Đề án di sản đương đại Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Theo đó, toàn bộ vùng di sản khoảng 3.600ha thuộc 04 xã: Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh và một phần vùng đệm di sản khoảng 5.000ha thuộc 02 xã: An Phước và Chánh An làm cơ sở xác định phạm vi khoanh vùng dừng tháo dỡ lò gạch và phát triển Đề án.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã trao nhiều về những quan điểm, kinh nghiệm quốc tế, cũng như thực tiễn tại các địa phương ở Việt Nam trong việc xây dựng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; biến “Vương quốc lò gạch” Mang Thít trở thành một vùng Di sản đương đại độc đáo có tầm cỡ quốc tế, một điểm đến hấp dẫn với chất lượng hàng đầu ở cả 3 khía cạnh về điểm tham quan, trải nghiệm, ăn nghỉ và lữ hành; kết nối, lan tỏa tác động tới các khu du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận. Các nhà khoa học cũng gửi ý phương pháp tạo công ăn việc làm và thu nhập bền vững cho người dân địa phương, đảm bảo việc phát triển du lịch của vùng gắn với phát triển đời sống của người dân qua việc tái định cư tại chỗ...
Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ Vĩnh Long xây dựng hồ sơ bảo tồn lò gạch, gốm thuộc Đề án di sản đương đại Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên đòi hỏi phải có rất nhiều điều kiện. Việc xây dựng đã khó nhưng việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản càng khó khăn hơn. Ông Christian Manhart nhấn mạnh: "Tôi muốn nhấn mạnh về tầm quang trọng về mặt môi trường. Hôm qua chúng tôi có đến khảo sát thấy có rất nhiều trường hợp ô nhiễm về không khí, chúng ta cần quan tâm đến vấn đề này. Bởi vì chúng ta muốn thu hút du khách đến với di sản chúng ta, chúng ta phải cắt giảm ô nhiễm môi trường, chúng ta phải ngừng đốt. Nếu làm chúng ta phải có công nghệ hiện đại để làm giảm ô nhiễm môi trường".
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh, để triển khai thành công Đề án, trong thời gian tới tỉnh Vĩnh Long sẽ thực hiện đồng bộ bốn nhóm giải pháp, trên tinh thần sử dụng tổng hợp, linh hoạt các công cụ quản lý, kiến tạo hữu hiệu về luật pháp, kinh tế. Thực hiện tốt các chính sách đầu tư công dẫn hướng, xúc tiến đầu tư tư nhân qua các ưu đãi về thuế, phí, đất đai, giấy phép; khuyến khích các mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, văn hóa-nghệ thuật-làng nghề như bảo tồn di sản vật thể và phi vật thể; khuyến khích các nghệ sỹ làm mới tinh thần truyền thống bằng ngôn ngữ đương đại và truyền thông./.