Chương trình Di sản thế giới của UNESCO vừa đánh dấu 50 năm ra đời. Trong 50 năm qua, đã có 1.154 di sản được ghi vào Danh mục Di sản thế giới của UNESCO, gồm 897 di sản văn hóa, 218 di sản thiên nhiên, 39 di sản hỗn hợp. Di sản thế giới hiện diện ở 167 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 43 di sản "xuyên biên giới". Mục đích chính của việc ghi danh là bảo vệ di sản, chứ không phải một sự xếp hạng.
Hiện nay, 52 di sản thế giới đang trong tình trạng "nguy cấp", tức là giá trị nổi bật toàn cầu giúp di sản đó được ghi danh có nguy cơ mất đi sự toàn vẹn. Một trong số đó là khu Trung tâm lịch sử Vienna (Áo), được ghi danh năm 2001 và nhận tình trạng nguy cấp vào năm 2017. Đây không phải là lần đầu tiên UNESCO và chính quyền địa phương không tìm được tiếng nói chung giữa bảo tồn và phát triển tại một di sản.
Năm 2016, chính quyền thành phố Vienna muốn xây một sân trượt băng cố định, kèm khu phức hợp cao tầng ở ngay bên ngoài tòa nhà Konzerthaus - công trình hàng trăm tuổi theo lối Gothic nằm trong Trung tâm lịch sử Vienna. Trượt băng lại là môn thể thao được yêu thích tại Áo, các sân trượt băng dựng tạm thường thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến Vienna mỗi năm. Tuy nhiên, ý tưởng này bị UNESCO phản đối vì lo ngại sẽ làm suy yếu giá trị của khu di sản.
Cũng như Trung tâm lịch sử Vienna, UNESCO và Danh mục Di sản thế giới đã gián tiếp giúp nhiều điểm đến trở nên nổi tiếng và thu hút rất đông khách du lịch. Thời điểm được ghi danh vào năm 1992, những ngôi đền tại Angkor Wat chỉ thu hút 22.000 du khách mỗi năm. Ngày nay, con số đó là 5 triệu và dự kiến sẽ đạt 10 triệu vào năm 2025.
Tuy nhiên cả Angkor Wat và không ít di sản thế giới có nguy cơ trở thành nạn nhân của sự nổi tiếng. UNESCO cũng từng thừa nhận, sự phát triển du lịch kéo theo gia tăng dân số và sức ép từ số lượng lớn du khách đã gây ra nhiều vấn đề về nguồn nước ở Angkor Wat. Nhu cầu về nước tăng cao khiến nước ngầm bị khai thác quá mức, dẫn đến nguy cơ sụt lún tại nhiều khu vực, trong đó có các ngôi đền.
Tương tự, Dubrovnik (Croatia) đã phải giới hạn số lượng du khách tham quan vùng lõi di sản mỗi ngày, sau nhiều năm chống chọi với sự quá tải. Thu hút 25 triệu khách vào năm 2019, Venice (Italy) là thành phố đầu tiên thu phí vào cửa với du khách, như một nỗ lực giải quyết trình trạng quá tải. Những giải pháp này đa phần xuất phát từ chính quyền địa phương hoặc các nhà hoạt động môi trường; trong khi UNESCO thiếu công cụ để hỗ trợ một di sản thế giới nếu nó bị đe dọa bởi du lịch đại chúng.
Ngoài sức ép khi khách du lịch tăng đột biến, các di sản thế giới còn phải đối mặt với nhiều thách thức mà UNESCO khó có thể giải quyết được. Các cuộc xung đột vũ trang đã phá hỏng các di tích tại Aleppo (Syria), Sana’a (Yemen) hay tượng Phật ở Afghanistan. Biến đổi khí hậu và các hệ quả của hiện tượng này đang đe dọa 26 di sản thế giới, phần lớn là các sông băng và khu vực đa dạng sinh học.
Trong nhiều trường hợp UNESCO không thể hiện vai trò rõ ràng và thuyết phục, tuy nhiên tổ chức này vẫn có vị trí quan trọng. Dù sao thì các di sản thế giới vẫn cần ai đó quan tâm bảo vệ, vì chúng không thể tự bảo vệ mình. Với Trung tâm lịch sử Vienna, nếu chính quyền địa phương tiếp tục kiên trì với dự án sân trượt băng để phát triển du lịch, khu di tích này có thể bị loại khỏi Danh mục Di sản thế giới. Đây có lẽ là công cụ ấn tượng nhất của UNESCO, giống như tổ chức này đã hành động với thành phố cảng Liverpool (Anh), thung lũng Elbe ở Dresden (Đức) và khu bảo tồn linh dương Arab (Oman)./.