Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú ở xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam có khung cảnh hữu tình của một ngôi làng thuần Việt xứ Quảng. Làng Cẩm Phú nằm giữa 2 con sông Thu Bồn và Trùm Ngô, khí hậu mát mẻ được bao bọc bởi những lũy tre làng xen lẫn nước hồ trong mát. Vùng đất này sở hữu nhiều giá trị tự nhiên, văn hóa và lịch sử độc đáo, lưu giữ được nhiều nghề truyền thống như điêu khắc gỗ, trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa...
Đến làng Cẩm Phú, du khách được khám phá các sản phẩm du lịch xanh như tham quan nhà vườn, tận mặt chứng kiến và tham gia lao động, trồng rau, hái quả trong vườn, phân loại và tái chế rác hữu cơ. Nhiều du khách thích thú khi được khám phá di tích lịch sử cùng người dân địa phương bắt cá, thả lưới trên sông Thu Bồn.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết trong quá trình phát triển du lịch sẽ hạn chế thấp nhất những tác động đến môi trường tự nhiên: “Chỉ khi người dân tham gia và được thụ hưởng từ các sản phẩm du lịch cộng đồng thì mới có thể phát triển. Phải làm sao cho mỗi người dân, mỗi ngôi nhà tại đây đều là một điểm đến du lịch xanh, có như thế mới phát triển du lịch bền vững”.
Tại thành phố Tam Kỳ, Bãi Sậy - Sông Đầm (nằm giữa xã Tam Thăng và phường An Phú) trở thành điểm du lịch mới, thu hút du khách. Bãi Sậy - Sông Đầm có diện tích tự nhiên khoảng 180 ha. Nơi đây từng là khu căn cứ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong quá trình quy hoạch, thành phố Tam Kỳ xem khu vực này như “lá phổi xanh” của đô thị, với hệ sinh thái tự nhiên đa dạng. Khách du lịch đến đây được ngồi trên chiếc ghe nhỏ, lênh đênh trên mặt nước, hòa mình vào cảnh sắc hữu tình với những cánh đồng hoa sen, hoa súng rực rỡ.
Các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch dựa vào cộng đồng không còn mới mẻ trong quá trình phát triển du lịch xanh ở Quảng Nam. Địa phương này đã chú trọng việc bảo tồn các giá trị tự nhiên, bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và nâng cao cuộc sống người dân địa phương.
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định phát triển du lịch sẽ gắn với các giá trị lịch sử và văn hóa bản địa, gắn với nông nghiệp, nông thôn và nông dân để mở rộng, khai thác không gian du lịch xanh tại địa phương.
“Chúng tôi xây dựng các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác các giá trị mà thiên nhiên ban tặng, những giá trị về văn hóa, vùng đất và con người mà tỉnh Quảng Nam có nhiều ưu thế. Chúng tôi sẽ liên kết với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước để gắn kết và xây dựng những gói sản phẩm phù hợp, nhằm quảng bá hình ảnh du lịch xanh ra quốc tế” - ông Lê Trí Thanh nói./.