Những dự án nghệ thuật công cộng thường chỉ sống được 3-5 năm, sau đó sẽ bị xuống cấp hoặc cần thay đổi để phù hợp với hơi thở của thời đại. Không gian nghệ thuật công cộng tại Phúc Tân cũng khó tránh khỏi quy luật này, tuy nhiên sự xuống cấp của các tác phẩm tại đây mang đến nhiều tiếc nuối, nhất là khi những không gian nghệ thuật tương tự còn quá ít tại Thủ đô.
Trở lại Phúc Tân vào một ngày hè tháng 7, giám tuyển của dự án - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết một vài tác phẩm tại đây sử dụng vật liệu tái chế nên không tránh khỏi hỏng hóc, cần được quan tâm, bảo trì. Với nghệ thuật công cộng, ngoài kinh phí thực hiện tác phẩm thì chi phí duy tu bảo dưỡng định kỳ cũng cần một khoản không nhỏ, mà các nghệ sĩ không thể cứ mãi tự bỏ tiền, công sức và thời gian như đã từng làm với dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân.
"Dù có những tác phẩm xuống cấp, nhưng tôi thấy vui vì không gian nghệ thuật công cộng tại Phúc Tân đang có đời sống của riêng mình. Không gian nghệ thuật này được sinh ra từ ngữ cảnh địa phương và đến nay đã trở thành một phần hài hòa với cộng đồng. Khách du lịch đến đây để ngắm nhìn những tác phẩm bụi bặm đang 'sống' trong cộng đồng, thay vì được đóng khung trong bảo tàng. Họ cũng rất thích thú khi ngắm cầu Long Biên từ không gian này, với tiếng tàu hỏa và những thanh âm từ nhịp sống thường ngày" - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ.
Còn nhớ cách đây hơn 2 năm, dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân được khởi động nhằm cải tạo không gian của khu vực bờ ven sông Hồng, thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Để thực hiện dự án này, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn mời thêm 15 nghệ sĩ nổi bật về thực hành nghệ thuật đương đại từ Huế, TP.HCM, Hà Nội và 2 nghệ sĩ nước ngoài sinh sống ở Hà Nội nhiều năm.
"Khi đó khu xóm bờ sông Phúc Tân là một khu vực hết sức phức tạp và ngổn ngang, cả từ địa hình tới cộng đồng cư dân khu biệt. Nhưng chính sự thô ráp, xù xì, nguyên sơ và gần gũi với thiên nhiên nơi bãi bồi sông Hồng cùng với cây cầu Long Biên lịch sử đã cuốn hút và thách thức chúng tôi muốn thực hiện một dự án nghệ thuật công cộng tại đây. Ngay sau đó, chúng tôi đã quyết định đưa yếu tố 'tái chế' và 'cộng đồng' trở thành một điểm mấu chốt của dự án" – họa sĩ Nguyễn Thế Sơn kể lại.
Nhằm kêu gọi sự nhận thức và chung tay của cộng đồng, nhóm nghệ sĩ đã tiến hành dự án Nghệ thuật công cộng Phúc Tân theo cách “từ dưới đi lên”, tức là tiến hành thi công và làm tác phẩm khi có được sự chia sẻ và cảm nhận đầy đủ từ phía người dân và chính quyền địa phương. Những buổi chia sẻ đã được tổ chức, nhằm giải thích ý nghĩa tổng thể dự án cũng như từng tác phẩm của từng nghệ sĩ tới người dân ở đây.
"Sự cởi mở và chân thành của chúng tôi đã được đáp lại bằng sự hồ hởi và nhất trí cao của cộng đồng, cam kết hỗ trợ chung tay thu gom phế thải và bảo vệ trông coi tác phẩm sau khi dự án hoàn thành. Một dự án nghệ thuật công cộng giờ đã được mở rộng thêm ý nghĩa của một dự án cộng đồng, khi người dân được cảm thấy sự đóng góp và cảm nhận được lợi ích từ nó" - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nói.
Chỉ trong vòng 1 - 2 tháng từ sau khi nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng từ phía người dân, nhóm nghệ sĩ đã biến một khu vực lộn xộn đầy rác thải trở thành một con đường nghệ thuật dài gần 1km, với rất nhiều tác phẩm gắn liền với một thời quá vãng như "Thuyền gương" gắn với một thời chạy lũ sông Hồng, "Nhà nổi" nhắc về những cuộc sống trên sông hay "Thuyền" với hình ảnh con thuyền, sóng nước từ 10.000 chai nhựa cũ...
Tác phẩm "Xẩm tàu điện" của nghệ sĩ Phạm Khắc Quang khiến bà Dương Thị Nguyệt Minh (sinh năm 1944) bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm khi còn là một cô bé: "Tàu điện và tiếng hát xẩm rền rĩ, nỉ non gắn liền với tuổi thơ của chúng tôi. Khi ấy chỉ mười mấy tuổi, nhưng tôi nhớ những bài xẩm thường do những người mù hát và hát rất hay. Họ ngồi trên tàu điện hát hết bài này đến bài khác, sau đó ai muốn cho tiền thì cho. Người hát thì cứ hát, mặc cho tàu điện chạy từ bến này đến bến khác".
Một tác phẩm độc đáo nữa là “Bức tường danh vọng” do họa sĩ Trần Hậu Yên Thế thực hiện, lấy cảm hứng từ cánh cổng sắt ngôi nhà số 14 Đường Thành của cụ Hoàng Thụy Chi. Đến thăm tác phẩm này, PGS.TS Hoàng Văn Sơn (cháu nội cụ Hoàng Thụy Chi) nhận ra những hình ảnh quen thuộc: "Dấu ấn rõ nhất của cánh cổng sắt là chữ Thọ. Cụ Chi thường dùng các chữ Phúc, Lộc, Thọ để trang trí trong nhà, ví dụ như chiếc bàn gỗ lim mạ đồng có hàng trăm chữ Thọ cách điệu. Cánh cổng sắt này hàng chục năm qua chưa bao giờ phải sơn lại và cũng không bị rỉ sét".
Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế chia sẻ, sự đón nhận của công chúng luôn là động viên rất lớn với các nghệ sĩ, giống như cách gia đình cụ Hoàng Thụy Chi đón nhận tác phẩm "Bức tường danh vọng". Tác phẩm này cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ của người dân tại Phúc Tân, ngay từ giai đoạn thi công.
"Tác phẩm 'Bức tường danh vọng' gợi nhắc một giai đoạn lịch sử, khi quá trình kiến tạo cầu Long Biên đã đưa sắt vào trang trí kiến trúc tại Hà Nội. Tôi sử dụng hình ảnh những ô cửa, cửa đi, cổng... của nhiều ngôi nhà mà chủ nhân là những trí thức, những người gắn bó với sự phát triển của Hà Nội như gia đình cụ Hoàng Thụy Chi.
Chúng tôi cũng biết ơn sự ủng hộ của người dân tại đây, như gia đình chú Thiết ở đằng sau bức tường này đã giúp tôi thực hiện tác phẩm 'Bức tường danh vọng'. Chú có nghề thợ nề nên đã giúp tôi phần vôi vữa, làm khuôn trong suốt 1 tuần. Không chỉ riêng tôi mà các nghệ sĩ khác cũng được người dân hỗ trợ, nhất là việc tìm nguyên liệu cho các tác phẩm" - họa sĩ Trần Hậu Yên Thế kể lại.
Như thế suốt 2 năm qua, không gian nghệ thuật công cộng tại Phúc Tân đã sớm hoàn thành sứ mệnh của mình. 16 tác phẩm sắp đặt của 16 nghệ sĩ trong và ngoài nước, tương tác trực tiếp với ký ức lịch sử của khu vực bãi sông Hồng cũng như của cộng đồng cư dân hình thành tại đây, trở nên lung linh huyền ảo vào mỗi tối đã khiến cuộc sống của người dân có nhiều thay đổi.
"Những bãi rác tạm bợ, thói quen không vệ sinh của người dân ở khu vực này đã dần biến mất. Những thói quen mới, những sinh hoạt mới của người dân địa phương đã dần làm cho xóm ven sông trở nên sinh động và đầy sức sống, hòa quyện vào thiên nhiên trong lành và không khí ánh sáng của những tác phẩm nghệ thuật. Người dân đã dần quen với sự xuất hiện của các tác phẩm như một phần cuộc sống của họ, mang lại lợi ích về môi trường cảnh quan cũng như tiềm năng sinh kế khi khu vực này dần thu hút thêm khách tham quan" - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nói.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng, Hà Nội rất cần những không gian công cộng để gắn kết nhân dân, trước hết là chính cộng đồng nhỏ tại đó rồi đến cộng đồng lớn hơn. Từng là nơi ít người lui tới, cộng đồng tại Phúc Tân bây giờ được thụ hưởng những giá trị mới mẻ, làm gia tăng sự gắn kết giữa người dân địa phương với nhau và cả với khách du lịch ghé thăm. Khi đó người dân có ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường và quan trọng hơn là họ tự hào về nơi mình sinh sống, muốn kể chuyện và đón khách tới "nhà" của mình. Ở đây nghệ thuật đóng vai trò chất xúc tác, tạo ra "tiếng nói chung" giữa người với người, dù có thể bất đồng ngôn ngữ.
Tuy nhiên, đáng tiếc là những không gian nghệ thuật công cộng ở Hà Nội chưa có nhiều. Nếu không có sự quan tâm và hành động từ các bên liên quan, những dự án nghệ thuật công cộng như tại Phúc Tân khó có thể sống lâu hơn./.