Nghệ nhân nhân dân Hà Thuấn (xã Tân An, huyện Chiêm Hoá) là người đã dành cả cuộc đời để hát và truyền dạy những điệu then của người Tày ở Tuyên Quang. Dù đã ngoài 80 tuổi, nhưng ông vẫn rất rành rọt và nhớ không thiếu một chi tiết nào trong các câu chuyện về then cổ của người Tày quê hương.
Nghệ nhân Hà Thuấn kể, trước đây, những làn điệu then chủ yếu do các thầy cúng hát vào những dịp làm lễ cho các gia đình trong thôn bản. Ngày nhỏ, ông thường theo chân các cụ già đi xem lễ cúng, rồi những điệu then cứ thế ngấm vào người lúc nào không hay. Cả cuộc đời mình, nghệ nhân Hà Thuấn dành phần lớn thời gian để sưu tầm và truyền dạy những điệu then cổ và giới trẻ chính là lớp người được ông ưu tiên, đặt nhiều kỳ vọng để gìn giữ và phát triển những làn điệu then cổ.
Nghệ nhân Hà Thuấn nói: "Trước đây có một thời gian người ta bảo mê tín, nhưng bây giờ UNESCO công nhận rồi tôi rất phấn khởi, nên tôi cố gắng làm sao gìn giữ bản sắc của dân tộc mình, mở các lớp để truyền dạy cho các thế hệ trẻ, để người ta biết được, giữ gìn được. Tôi cũng nói với các lớp tôi dạy rằng, truyền dạy cho các cô, các cháu học mà biết, sau này các cô, các cháu phải truyền dạy để giữ gìn, không là sau này mai một".
Có thể thấy ở đâu có người Tày, Thái, Nùng là ở đó có then, nghi lễ then. Nghi lễ then có giá trị nghệ thuật rất cao, rất nhân văn và đều hướng đến cuộc sống con người. Người xưa giải thích về mối quan hệ sâu sắc giữa con người với với con người; con người với thiên nhiên, vạn vật cũng như bày tỏ khát vọng, lòng tin, chỗ dựa tinh thần (tín ngưỡng tâm linh) để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống thời bấy giờ khi chưa có khoa học làm nền tảng.
Nghệ nhân Hà Ngọc Cao, ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang cho biết then chứa đựng tính nhân văn rất cao, phản ánh khả năng sáng tạo tuyệt vời về đời sống văn hóa tinh thần của tổ tiên xa xưa, thể hiện tình yêu giữa con người với con người, con người với thiên nhiên vạn vật cỏ cây, tình yêu quê hương, yêu Tổ quốc... Do đó, qua việc truyền dạy then cũng là giáo dục con cháu nhớ về cội nguồn.
"Then cổ ý nghĩa giáo dục con người làm ăn, đạo đức cha mẹ tổ tiên, ông bà, giáo dục con người làm công việc thiện, phản ánh những việc làm sai trái, đạo lý sống thế nào cho tốt đời đẹp đạo. Chúng tôi cũng đã mở một lớp truyền dạy cho các cháu từ 8 tuổi rồi người lớn 60 tuổi học một lớp, cũng thành đạt được một lớp rồi, cũng mong các cấp lãnh đạo quan tâm hơn nữa để sau này dần phát triển mở rộng thêm nhiều lớp" - nghệ nhân Hà Ngọc Cao nói.
Để lan tỏa những điệu Then của dân tộc, những nghệ nhân then không chỉ dạy trực tiếp cho thế hệ trẻ và những người yêu thích then, mà họ còn tổ chức các lớp học trực tuyến cho những người ở xa, đưa những điệu hát then, nghi lễ then lên mạng xã hội. Thậm chí có nghệ nhân đã lan tỏa những điệu then tới nhiều nước trên thế giới.
Nghệ nhân Chu Văn Thạch, ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang và nghệ nhân Nguyễn Xuân Hữu, ở Hà Giang cho biết: "Tới bây giờ tôi đã dậy nhiều lớp then, vừa dạy trực tiếp và dạy online cũng đạt hiệu quả cao. Trong những học sinh tôi dạy, đã có người lại đi truyền dạy cho những người khác. Hiện mình vẫn đang dạy trực tuyến cho các bạn ở xa, đặc biệt có những bạn ở TP.HCM. Trong thời gian mình truyền dạy, đưa lên Youtube mình gặp những vị khách nước ngoài, cũng có những bạn nước ngoài là học sinh ở bên Mỹ thích học hát then, đàn tính... Mình cũng có dạy cả một số bạn ở Đức. Qua đó, mình thấy hát then rất tuyệt vời, vì để lan tỏa sang nước ngoài là điều khó và khi làm được mình thấy rất tự hào".
Tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc, bảo tồn then trong cộng đồng đã được chú trọng thực hiện, với việc mở các lớp truyền dạy then, khuyến khích thành lập các câu lạc bộ. Then được các bạn trẻ đón nhận tích cực qua nhiều hoạt động cụ thể, hiện hữu trong cuộc sống./.