Từ 6/11 đến 6/2, triển lãm “Mộng bình thường” của Nhà thiết kế Thủy Nguyễn sẽ mở cửa đón công chúng. Trong không gian 1.500m2 của Trung tâm Nghệ thuật Đương đại (quận 2, TP.HCM), “Mộng bình thường” kể lại câu chuyện sáng tạo của Thủy Nguyễn trong 9 năm sự nghiệp, gắn liền với những chất liệu văn hóa và thủ công đặc trưng nhất của Việt Nam. 

Nhằm mang tới tiêu chuẩn của các không gian triển lãm quốc tế cho công chúng Việt Nam, Thủy Nguyễn dành ra hơn hàng tháng để tìm kiếm và kết nối với giám tuyển từ những quốc gia có nền nghệ thuật và văn hóa phát triển.

Giám tuyển đóng vai trò giám sát, giám định và tuyển chọn tác phẩm. Họ vừa là “con mắt xanh” am hiểu xu hướng nghệ thuật của người xem, vừa là “bộ lọc” để mỗi tác phẩm sáng tạo thời trang trưng bày đều thể hiện thông điệp tổng thể, nói lên cái tôi của người nghệ sĩ. Giám tuyển của Mộng bình thường là cầu nối đưa tác phẩm từ nghệ sĩ đến công chúng để tạo ra hiệu quả tối ưu cho triển lãm.

Chính từ những yêu cầu này, Nhà thiết kế đã chọn Dolla S. Merrillees - giám tuyển người Úc. Merrillees từng giữ vị trí phó Giám đốc tại Quỹ nghệ thuật đương đại Sherman. Hiện cô đang nằm trong hội đồng Tư vấn phát triển Tổ hợp Thời trang của SCCI (Trung tâm Văn hoá và Ý tưởng Sherman) và là một trong ba đại sứ toàn cầu của SCCI. 

Đối với những ý kiến trái chiều cho rằng việc thuê mướn một giám tuyển quốc tế sẽ đặt ra bài toán tài chính, lợi nhuận cho sự kiện, NTK Thủy Nguyễn chia sẻ thêm: “Triển lãm là một hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến. Nó nằm trong quá trình xây dựng, hình thành và phát triển một "Thương hiệu". Triển lãm không mang lại doanh thu trực tiếp, song về lâu dài nó mang đến cho công chúng, khách hàng những thông tin bổ ích, tạo dựng niềm tin và sức hút cho sản phẩm, thương hiệu, thay đổi cách nhìn về thời trang như một tác phẩm.

Hiện tại tôi chưa nghĩ đến tăng doanh thu. Tôi tập trung mọi nỗ lực, làm hết sức mình để độc giả được chiêm nghiệm, trải nghiệm với những tác phẩm được trưng bày, cảm nhận được tính hấp dẫn, thỏa mãn sự tò mò và thâm hiểu cá nhân, hiểu được chuỗi hình thành tác phẩm”./.