Thời gian gần đây, dư luận sục sôi chuyện “ngoại tình” của một đại gia với một cô ca sĩ nổi tiếng, rồi chuyện một người cha bị sốc trước kết quả thử ADN, khi chỉ 1 trong 2 đứa con sinh đôi là con ruột mình. Vào các diễn đàn có đông phụ nữ tham gia, dễ thấy hàng loạt các topic liên quan đến chuyện ngoại tình: Có nên tha thứ cho chồng chưa cưới đã ngoại tình; Vợ Tôi Say Nắng - Đau và Phải Làm Sao?; Gửi các anh chồng và bồ nhí của các anh!...
Không thể có một thống kê chính xác về số người ngoại tình, chỉ biết nhiều phụ nữ vẫn tâm niệm một câu cửa miệng là: "có đến 90% đàn ông không chung thủy, 10% còn lại bao gồm những người chung thủy và những người có vấn đề về tâm sinh lý". Sau khi tự tin phát biểu như vậy, nhiều phụ nữ cũng không quên "phân loại" chồng mình nằm trong số 10% còn lại đó. Đúng sai của việc phân loại mang tính chủ quan này tất nhiên chỉ có "ông trời mới biết".
Và cánh đàn ông cũng đáp trả không vừa khi "lôi kéo" một lượng tương đương phụ nữ có dính dáng vào những mối quan hệ ngoài hôn nhân bởi không có phụ nữ thì họ ngoại tình với ai?
Theo Bộ Luật Hình sự số: 100/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016. Quy định tại Chương XVII "Các tội xâm phạm chế độ Hôn nhân và Gia đình" về chế độ vi phạm chế độ một vợ một chồng như sau:
Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Anh Đạt (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng luật này cũng phần nào cảnh báo những người đã đang và có thể sẽ ngoại tình nhìn nhận lại vấn đề tình cảm, hậu quả của việc ngoại tình. Anh cũng nêu thắc mắc rằng nếu chuyện ngoại tình xảy ra thì ai sẽ là người đứng ra tố cáo, liệu vợ/chồng có muốn làm rùm beng sự việc để rồi kéo theo một loạt hệ quả khác như người vào tù, xã hội dị nghị, xấu chàng hổ ai...
Chị Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, từ trước đến nay chị chưa thấy pháp luật xử phạt hành chính những người ngoại tình bao giờ, mức độ thế nào thì bị xử phạt hành chính, ai là người theo dõi, tố cáo những hành vi ngoại tình..., chị Mai băn khoăn.
Theo anh Ngọc (Hai Bà Trưng - Hà Nội) thì chế tài như vậy cũng không đủ răn đe vì đối với vấn đề tình cảm, một khi đã "say" nhau thì nhiều cặp đôi bất chấp tất cả.
Ngoài ra, chị Quỳnh (Đống Đa - Hà Nội) thắc mắc về việc xác định chứng cứ ngoại tình, như thế nào thì gọi là "sống chung". Các cặp ngoại tình vẫn sống dưới một mái nhà với vợ/chồng của họ, họ chỉ qua lại chốc lát với nhân tình tại một địa điểm nào đó. Bao vụ bắt quả tang rồi đánh ghen, tung clip tràn lan trên mạng đã đủ chứng cứ để buộc tội ngoại tình chưa...?
Ảnh minh họa |
Trước những băn khoăn xung quanh việc phát hiện, xử lý thực tế các hành vi ngoại tình, luật sư Nguyễn Hồng Giang- Trưởng văn phòng luật sư Vũ Lợi - Đoàn luật sư Hà Nội chia sẻ:
Từ thời xa xưa ở nước ta và phong tục của một số dân tộc trên thế giới ngày nay, khi bắt được người nào ngoại tình, người ta thường đưa ra những hình thức như: nhẹ thì phạt vạ, cạo đầu bôi vôi dẫn đi quanh làng nhằm hạ nhục người bị bắt quả tang ngoại tình, nặng thì nhét vào rọ, thả trôi sông hay ném đá đến chết nhằm diệt trừ và xóa bỏ cái xấu ra khỏi đời sống xã hội... Để xóa bỏ đi những hủ tục lạc hậu đó, quyền con người được nâng cao hơn bởi những quy định của những chế tài bắt buộc thông qua các bộ Luật của từng thời kỳ.
Về quan điểm thế nào là "chung sống như vợ chồng": Khi Điều luật đi vào cuộc sống, qua nhiều thực tiễn gặp những vướng mắc, thì các cơ quan chức năng sẽ có những văn bản dưới luật (Nghị định, Nghị quyết, Thông tư, ...) của các Cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thi hành Điều 182 Bộ Luật Hình sự 2015 này.
Theo hướng dẫn thi hành Luật Hình sự năm 1999 thì “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó”...(Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC).
Nay Nhà nước ban hành Luật Hình sự mới. Luật Hình sự 2015 có bổ sung, sửa đổi gì không cho phù hợp tình hình mới cũng là một nội dung được những người quan tâm mong sớm có lời giải đáp từ các cơ quan có thẩm quyền.
Theo luật sư Giang, để xử lý hình sự hành vi “ngoại tình” (mà Bộ Luật Hình sự quy định là tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng không phải đơn giản; khó nhất là phải xác định được chứng cứ có giá trị pháp lý. Trong những trường hợp bắt quả tang "trai trên gái dưới", ban đầu chỉ có thể cho rằng đấy là cặp kè, "ăn bánh trả tiền", “tình một đêm”... Chỉ như vậy thôi thì chưa đủ chứng cứ xác định đấy là "chung sống" mà còn phải có nhiều chứng cứ khác có liên quan, chứng minh cho việc "chung sống" đó nữa.
Trường hợp để người vợ/chồng đi tìm chứng cứ cũng không đơn giản bởi họ không có nghiệp vụ, có những vấn đề các đương sự không thể tự mình đi xác minh được, ngoài ra lại cần phải có cả một quá trình theo dõi, giám sát lâu dài. Khi không có nghiệp vụ tìm kiếm chứng cứ thì người bị vợ/chồng ngoại tình sẽ phải nhờ đến các văn phòng thám tử, các văn phòng Luật sư ... để yêu cầu xác mình, tìm kiếm chứng cứ. Kết tội ngoại tình không khó, mà cái khó để xử lý tội này là tìm chứng cứ và quan trọng nhất là phải có nghĩa vụ chứng minh chứng cứ đó có giá trị pháp lý – Luật sư Giang nhấn mạnh.
Trong khi việc xử lý (hành chính hay hình sự) đối với hành vi “ngoại tình” chưa diễn ra một cách phổ biến thì ở Việt Nam lại có tình trạng dư luận "ném đá" tới tấp qua phương tiện truyền thông, qua mạng xã hội đối với những người “ham của lạ” để “xử” hành vi ngoại tình!
Trường hợp một số cô người mẫu, diễn viên, ca sĩ hay MC nổi tiếng gần đây bị dư luận kết tội ngoại tình và "ném đá" đến nỗi phải "đóng cửa" trang cá nhân để rồi một ngày đẹp trời không lâu sau đó, các cô "mở cửa" trở lại, xuất hiện trên mạng, trên các phương tiện truyền thông như người của công chúng, như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Dù sao, đó cũng là một phản ứng hết sức tự nhiên của cộng đồng. Luật Hình sự quy định chế tài đối với hành vi ngoại tình cần có ngay các văn bản hướng dẫn mang tính khả thi khi đi vào cuộc sống, thể hiện sự răn đe nghiêm khắc của pháp luật nhằm bảo vệ các mối quan hệ hôn nhân hợp pháp.
Việc ngoại tình để lại vết thương trong tâm hồn của người trong cuộc, làm suy đồi đạo đức, giảm đi các giá trị hạnh phúc gia đình… Để hạn chế và tránh việc ngoại tình có thể xảy ra không chỉ dựa vào những chế tài hình sự mà quan trọng nhất chính là nhận thức về lối sống và nhận thức về đạo đức của mỗi cá nhân trong việc ứng xử với các mối quan hệ trong gia đình cũng như trong xã hội./.