Thân chào chương trình !

Em lập gia đình năm 2013, hiện tại em có một cháu trai hơn 1 tuổi. Chồng em là sỹ quan hiện công tác ở Bình Định. Em làm kế toán và mẹ con em đang sống với ông bà ngoại ở Thành phố Hồ Chí Minh. Do đặc thù công việc nên chồng rất ít khi ở nhà, vì đã chuẩn bị tinh thần từ trước nên em không hề cảm thấy quá khó khăn khi vợ chồng sống xa nhau.

2_coir.jpg
Ảnh minh họa

Hàng tháng chồng em sẽ gửi chi phí để em chăm lo cho con . Bên cạnh đó em vẫn đi làm, cháu thì bà ngoại trông giúp. Em không hề phàn nàn về việc chồng thường xuyên vắng nhà. Dù vợ chồng xa cách nhưng chỉ cần thật sự quan tâm và yêu thương nhau thì chuyện cách trở địa lý đó không phải là vấn đề, Khi mọi việc êm xuôi thì không có gì để bàn cãi.

Nhưng cứ mỗi khi con ốm đau thì những lời tâm sự của em đến chồng hầu như là không được đáp trả. Cảm nhận của em là anh dửng dưng – không hề bận tâm đến con mặc cho mức độ ốm của con năng hay nhẹ, hay đến những khó khăn mà em gặp phải, ví dụ việc sắp xếp đưa con đi khám và thời gian em phải đi làm, vấn đề kinh tế khi con bệnh, sự mệt mỏi khi trông con mà hầu như là không có sự chia sẻ của chồng. Phải chia sẻ thêm là thời gian từ lúc con chào đời đến khi con 20 tháng thì thời gian chồng em ở bên con cộng lại chưa được 1 tháng.

Vợ chồng cũng có nhắc nhở nhau để rút kinh nghiệm sau những lần có chuyện cãi vả, nhưng đâu cũng lại vào đấy và em thấy rằng hiện tại em giống một bà mẹ đơn thân hơn là có chồng.

Sau khi giải thích và nói cho anh ấy nghe về những điều em cần thì em hầu như vô vọng, vì anh ấy với lý do là công việc rất căng thẳng nên đôi khi anh ấy quên và vì anh ấy quên nên em không cần phải tỏ thái độ như vậy, anh ấy nói rằng anh ấy là người rất chung thủy , anh thường dẫn chứng qua những câu chuyện của anh kể, còn điều em cần là sự chia sẻ , cụ thể là trong việc nuôi dưỡng con thì em chưa nhận được.

Suy nghĩ của anh ấy rất đơn giản, đã là vợ chồng thì em phải chia sẻ với anh ấy. Điều này đúng, nhưng đến lúc này em chợt nhận ra rằng, trong cái gia đình nhỏ 3 người của chúng em , em chưa nhận ra vai trò thực sự của anh. Nếu nói em vì tiền bạc thì cũng không phải vì hiện tại em hoàn toàn độc lập kinh tế và đang tự lo cho con dưới sự giúp đỡ của bà ngoại , em chỉ cần anh ấy tự giác biết trách nhiệm với con , nếu nói vì tình cảm em không say nắng hay cảm thấy buồn vì xa chồng,

Em chỉ thấy mình đang sống một mình và hoang tưởng rằng mình có chồng. Hiện giờ em tránh không liên lạc với chồng, vì em thấy mình rối trí quá chưa đủ minh mẫn để có thể giải quyết vấn đề mình đang gặp phải.

Chuyên gia tâm lý tư vấn:

Bạn thân mến!

Qua chia sẻ của bạn chương trình hiểu rằng bạn đang cảm thấy buồn phiền khi chồng vô tâm, thiếu sự chia sẻ với bạn.

Ai cũng mong muốn có một người chồng quan tâm, chia sẻ mọi khó khăn trong cuộc sống tuy nhiên không cuộc hôn nhân nào cũng suôn sẻ và người chồng nào cũng hoàn hảo. Vì thế chúng ta chỉ có thể cố gắng cùng nhau thay đổi những nhược điểm của đối phương để cuộc sống vợ chồng thoải mái hạnh phúc hơn.

Người chồng là chỗ dựa, là trụ cột gia đình vì thế không dễ dàng gì khi một mình bạn lo liệu mọi việc trong nhà, chăm sóc con cái mà thiếu đi bóng dáng của chồng. Bản thân anh ấy cũng có những áp lực, mệt mỏi trong công việc vì thế khi bạn đã làm tốt mọi việc trong gia đình có thể chồng bạn cảm thấy yên tâm và không cần để tâm đến nữa. Thế nhưng chính sự vô tâm, thờ ơ của anh ấy khiến bạn khó chịu, mệt mỏi và chán nản cuộc hôn nhân này.

Nói gần nói xa chẳng qua nói thẳng. Đừng ngần ngại chia sẻ để không phải ôm ấm ức trong lòng. Bạn nên trao đổi thẳng thắn với chồng về những trăn trở và bức xúc đối với bản tính vô tâm của anh ấy. Hãy bày tỏ để anh ấy hiểu những tâm sự của bạn liên quan đến việc  anh ấy chưa có thái độ đúng, cách cư xử đúng của một người chồng, người cha trong mối quan hệ này.

Có lẽ cũng một phần vì các bạn phải sống xa nhau do điều kiện công việc mà tình cảm cũng dễ rơi vào trạng thái nhạt nhẽo, bạn có thể bàn với chồng việc tìm cách thay đổi công việc để cả nhà đoàn viên có nhiều thời gian bên nhau hơn, khi đó cũng dễ dàng hơn cho việc bầy tỏ tình cảm, san sẻ công việc gia đình, chăm lo con cái...

Với thái độ đồng cảm với chồng những khó khăn vất nhưng cũng đề nghị anh ấy có sự thay đổi trong cách ứng xử để hai vợ chồng vui vẻ, thoái mái hơn. Bạn cũng cần đưa ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề như bạn không thể chấp nhận một người chồng thờ ơ, không quan tâm đến cảm xúc của vợ, không dành thời gian cho gia đình ..thậm chí có thể dẫn đến việc hai vợ chồng phải chia ly để anh ấy thức tỉnh về thái độ sống của mình.

Ngoài ra bạn hãy cố gắng tạo niềm vui cho bản thân, bên cạnh việc chăm sóc chồng và gia đình, con cái thì bạn hãy dành nhiều thời gian để quan tâm đến nhan sắc, sức khỏe và thú vui của riêng mình. Bạn thể hiện cho chồng biết bạn rất yêu thương anh ấy, tạo điều kiện cho anh ấy yên tâm công tác nhưng cũng dành thời gian chăm chút bản thân, đi chơi, giao lưu bạn bè để khiến chồng cảm thấy vợ cũng quan trọng.

Bạn biết đấy nhiều khi đối với đàn ông, càng nắm chặt họ càng phản tác dụng, khi ấy chính ta đã tự đẩy chồng ra xa khỏi mình bởi những mệt mỏi, mâu thuẫn và ngược lại.

Mong cho tình yêu của hai bạn luôn đủ lớn để cùng nhau lắng nghe và vun đắp cho một hôn nhân trọn vẹn./.