Nghe câu chuyện tại đây |
Gia đình tôi có 6 anh chị em. Anh tôi và một đứa em gái của tôi bị thiểu năng trí tuệ vì bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Thời kỳ chiến tranh, cha tôi là chiến sỹ lái xe ở Trường Sơn đã nhiễm thứ chất độc hại này. Ngày ngày cha tôi phải oằn mình với gánh nặng cơm áo cho cả gia đình và chăm sóc hai người con không được bình thường.
Thời gian trôi qua, anh tôi đến tuổi lấy vợ. Qua mai mối, có một người phụ nữ đã tình nguyện kết hôn cùng với anh tôi. Nhưng về sống với chung một thời gian, chị đã chán chường và đối xử tệ bạc với anh tôi. Khi hai người có con, chị đã không chịu nổi cuộc sống chung và mang con bỏ đi khi cháu chưa tròn 1 tháng tuổi mà không có một lời nhắn nhủ. Tôi nhớ không biết bao lần, bố tôi đến đón chị về nhưng đều không được. Thậm chí, chị còn xúc phạm cha tôi. Thế là, người cha của tôi lại ngày ngày còm cõi chắt chiu từng đồng ít ỏi để lên thăm cháu, mua quà, mua sữa và đưa một ít cho mẹ con chị sinh sống.
Thời gian trôi qua, có một chị là Đảng viên trẻ, là bí thư chi đoàn thanh niên xã, đã đem lòng thương mến anh tôi. Chị quyết tâm đến với anh không đòi hỏi một điều kiện gì. Tưởng như hạnh phúc lại mỉm cười với anh nhưng anh chị về sống với nhau được 3 năm thì đó là 3 năm vô cùng vất vả của chị dâu tôi. Anh đổ bệnh liên tục, chị phải chạy đôn chạy đáo lo tiền thuốc men. Nhưng rồi, anh tôi đã ra đi vào một ngày âm u.
Tôi còn nhớ như in cái hôm định mệnh ấy. Lúc đó, anh tôi đang thoi thóp, vật lộn với tử thần; anh chỉ có một nguyện vọng duy nhất là được gặp đứa con gái bé bỏng của mình. Cha tôi đã năm lần bảy lượt đi đón, thuyết phục chị dâu cũ nhưng chị ấy không cho còn mỉa mai gia đình tôi. Cha tôi trở về, đứng đầu giường nơi anh tôi đang nằm. Lần đầu tiên, tôi thấy cha tôi khóc. Anh tôi đành nghẹn ngào ra đi mà không nói một lời vĩnh biệt.
Sau đám tang, người đau khổ nhất có lẽ là chị dâu tôi. Chị ấy mới hơn 20 tuổi mà đã góa bụa. Với chị, cuộc sống làm vợ anh tôi như một giấc mơ. Bây giờ, anh ra đi để lại cả một gánh nặng lớn với bố mẹ già. Bốn chị em gái tôi chưa ai xây dựng gia đình và đứa em út bị thiểu năng trí tuệ. Còn ngôi nhà thì cũng ọp ẹp, sắp đổ. Gia đình tôi cứ tưởng rằng, chị dâu rồi sẽ lặng lẽ bỏ nhà đi như người chị dâu trước mà thôi. Nhưng dường như ông trời có mắt, trong cái cánh cửa đang khép ấy vẫn còn một khe hẹp dành cho gia đình tôi, chị dâu tôi. Đó là anh trai tôi đã để lại cho chị một đứa con trai kháu khỉnh. Chính điều này đã tạo nên nghị lực sống cho các thành viên trong gia đình, nhất là chị dâu và cha tôi.
Cái mầm sống bé nhỏ ấy đã khiến chị ở lại với gia đình tôi. Bởi chị dâu tôi cũng mồ côi mẹ từ lúc 6 tuổi, cha chị không đi bước nữa mà ở vậy nuôi con. Có thể chính ông là tấm gương để chị noi theo. Bằng nghị lực sống của một người Đảng viên, một bí thư Đoàn thanh niên, Hội trưởng hội phụ nữ thôn và là một cán bộ tín dụng của Ngân hàng Phát triển nông nghiệp nông thôn, chị đã lo cho 4 chị em gái chúng tôi yên bề gia thất. Chính chị đã truyền lại niềm tin sống để người cha già của tôi vui vẻ bên đứa cháu nội của mình.
7 năm trôi qua kể từ ngày anh trai tôi mất, đứa con trai của anh đã học lớp hai. Nỗi buồn dường như đã nguôi ngoai theo năm tháng. Cho đến một hôm, tôi về thăm nhà (chị vẫn ở cùng với cha mẹ tôi); tôi bắt gặp chị đang rất thân mật với anh nhà bác ruột tôi.