Như tin đã đưa, ngày 16/12, Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh mở lại phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 4 bị cáo về tội vi phạm quy định về an toàn lao động trong vụ sập giàn giáo ở Vũng Áng hồi cuối tháng 3/2015.

Sau phần công bố cáo trạng, chiều 16/12, Hội đồng xét xử chuyển sang phần thẩm vấn các bị cáo. 

bi_cao_axqw.jpg
Các bị cáo trong vụ án tại phiên tòa (Ảnh: Việt Cường)

Trong vụ án này 4 bị cáo bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động" gồm: Lee Jae Myeong là Giám đốc đơn vị quản lý công nhân làm việc tại giàn giáo và Kim Jong Wook - Chỉ huy trưởng công trường, cùng mang quốc tịch Hàn Quốc, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thái Đức là công nhân vận hành hệ thống thủy lực của giàn giáo.

Chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Văn Thắng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo có 03 luật sư. Toàn bộ diễn biến của phiên tòa được dịch sang tiếng Hàn Quốc để đảm bảo tính khách quan và quyền lợi của hai bị cáo Lee Jae Myeong và Kim Jong Wook.

Theo cáo trạng, sau vụ tai nạn Công ty Sam Sung C&T đã hỗ trợ, bồi thường số tiền 8,4 tỉ đồng. Trong đó, 13 công nhân tử vong là 5,2 tỉ đồng, 29 công nhân bị thương là 3,2 tỉ đồng. Công ty Nibelc - đơn vị cung ứng lao động đã hỗ trợ, bồi thường số tiền 1,2 tỉ đồng. Trong đó 13 người chết là 780 triệu đồng, 29 người bị thương là 426 triệu đồng. 

Hiện có 9/13 gia đình có công nhân tử vong và 10/29 công nhân bị thương tiếp tục yêu cầu Công ty Sam Sung C&T và Công ty Nibelc hỗ trợ, bồi thường thêm thiệt hại.

Trong phần thẩm vấn, trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thái Đức đều thừa nhận đã chủ quan và cẩu thả không báo cáo kịp thời khi phát hiện giàn giáo có sự cố. 

Cả Đức và Tuấn đều không có văn bằng, chứng chỉ đào tạo vận hành hệ thống giàn giáo nhưng lại được giao trọng trách kiểm tra, vận hành hệ thống giàn giáo nên khi giàn giáo xảy ra sự cố rung lắc, kích bị tụt nhưng hai bị cáo này vẫn quyết định hạ bằng tay.

Cả hai bị cáo Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Thái Đức cho biết, do trước đây không được cán bộ kỹ thuật của Công ty Sam Sung hướng dẫn giàn ở độ cao nào thì hạ bằng tay nên bị cáo vẫn quyết định hạ. Sau khi hạ, công nhân tiếp tục vào làm việc. Sau đó, đến khoảng 19h50 phút thì giàn giáo bị sập.

Khi được chủ tọa phiên tòa hỏi, anh Lê Văn Thái, công nhân bị thương trong vụ sập giàn giáo cho rằng: trước khi xảy ra sự cố anh có hỏi một số người vận hành máy kích thủy lực làm sao mà giàn giáo rung lắc. Anh Thái có nghe bị cáo Đức và Tuấn nói là không sao.

Theo kết luận của cơ quan tố tụng, khi được công nhân thông báo có rung lắc nhưng những người quản lý vận hành là bị cáo Đức và Tuấn và hai bị cáo người Hàn Quốc vẫn bảo không sao, bắt công nhân làm việc bình thường, đây là hành vi coi thường tính mạng người lao động và vi phạm quy định an toàn lao động.

Chủ tọa phiên tòa thẩm vấn hai bị cáo Lee Jae Myeong và Kim Jong Wook đã thực hiện đúng trọng trách và trách nhiệm của người chỉ huy công trường chưa? Bị cáo Kim Jong Wook cho biết mình có trách nhiệm quản lý tổng quát và nhận báo cáo của cấp dưới để xử lý công việc. Trong thực hiện nhiệm vụ bản thân thường xuyên đi kiểm tra và cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm, nhiệm vụ được giao. Khi sự việc xảy ra bị cáo rất đau khổ và đau lòng về sự cố đáng tiếc vừa qua.

Khi được hỏi, bị cáo Kim Jong Wook thừa nhận trách nhiệm của mình khi phát hiện giàn giáo có dấu hiệu rung lắc nhưng vẫn cho công nhân làm việc nên để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiệm trong. Bản thân bị cáo nhận thức được sai lầm của mình và xin được nói lời tạ lỗi các gia đình bị hại.

Tại phiên tòa, những người liên quan và người làm chứng khi được Hội đồng xét xử hỏi đều cho rằng hai bị cáo người Hàn Quốc đã không làm hết trách nhiệm của mình nên đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trong. Bị cáo Kim Jong Wook cũng đồng tình với phần trả lời của bị hại và người làm chứng, bản thân nhận rõ trách nhiệm của mình với sự việc xảy ra.

Ngày mai phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn và tranh luận./.