Chiều 22/4, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, hồ sơ vụ án chủ quán cà phê Xin chào ở TPHCM bị khởi tố tội kinh doanh trái phép “không chắc chắn, có nhiều sai sót”, “chưa xử đã thấy tâm không phục rồi” và “nếu xử thì cái được ít hơn cái mất”.
“Từ ngày 20/4 đã có người dân và cả quan chức nhắn vào số điện thoại của tôi về việc ngày 28/4 sẽ đưa ra xử vụ án này. Sau đấy tôi có yêu cầu TAND TP.HCM báo cáo về sự việc. Ngay tối hôm đó, các anh trong đó cũng đã báo cáo là không yên tâm về mặt hồ sơ. Tôi chưa xem hồ sơ nhưng họ báo cáo là không yên tâm về mặt hồ sơ, không chắc chắn. Tôi đã chỉ đạo nếu không chắc chắn, yên tâm về hồ sơ thì phải làm cho đủ để không có kháng cáo, kháng nghị, kiện tụng gì trong thời điểm này”- Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết hồ sơ vụ án có nhiều sai sót, nếu xử thì "cái được ít hơn cái mất" và "chưa xử đã thấy tâm không phục rồi" |
Theo ông Bình, vừa qua Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Thành ủy TP.HCM đều có những chỉ đạo về việc tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh.
“Xử lý doanh nghiệp như vậy có tạo ra môi trường thông thoáng hay không? Hơn nữa chỉ ít thời gian nữa thôi là Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực. Trên cơ sở xem xét, đánh giá hồ sơ, tôi được anh em báo cáo là không chắc chắn, có nhiều sai sót, trong đó như biên bản phạt ghi ngày giờ không thống nhất với nhau. Đến sáng ngày 21/4 thì Tòa án TP.HCM đã thông báo trả lại hồ sơ”- ông Bình nói.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định việc trả hồ sơ là việc xem xét độc lập của tòa án. “Tòa án trả lại hồ sơ cho Viện Kiểm sát và đưa ra các yêu cầu, nhưng tôi chưa rõ đó là những yêu cầu nào bởi tòa án hoạt động độc lập. Trên cơ sở yêu cầu của tòa án thì viện kiểm sát sẽ xem xét có khả năng làm được thì sẽ làm... Nếu sau đó cân nhắc mọi thứ đúng tội thì cơ quan điều tra sẽ gửi lại hồ sơ sang tòa”- ông Bình nói về quy trình xử lý vụ việc.
Dù chưa tiếp cận cụ thể với hồ sơ vụ án nhưng trên cơ sở báo cáo của TAND TP.HCM và những thông tin nắm được qua báo chí, Chánh án Nguyễn Hòa Bình bày tỏ: “Nếu xử thì cái được ít hơn cái mất. Nền tư pháp này ở giai đoạn nào cũng thế thôi, công an, viện kiểm sát hay tòa án làm thế nào để nghiêm minh và lòng người phục hơn, bản án phải đạt được cái độ tâm phục, khẩu phục nhưng vụ án này chưa xử đã thấy tâm không phục rồi. Đấy không phải đích đến của nền tư pháp này”.
Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, cách đây không lâu, với tư cách Viện trưởng VKSND Tối cao, ông đã yêu cầu toàn hệ thống VKSND các cấp phải lưu ý khi xem xét phê duyệt những tội danh sẽ được bỏ đi kể từ ngày 1/7/2016.
“Tôi đã yêu cầu anh em phải kiểm sát chặt chẽ, đầy đủ chứng cứ thì mới làm, không thì không nên khởi tố”- ông nói.
Theo nội dung vụ việc, ông Nguyễn Văn Tấn (SN 1966, ngụ quận Bình Tân, TPHCM) khai trương quán cà phê Xin chào ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM vào ngày 8/8/2015 để bán cà phê, ăn sáng, ăn trưa.
Ngày 13/8, hai cán bộ công an huyện Bình Chánh đến kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính với lỗi “kinh doanh nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Ngay ngày hôm sau, ông Tấn đã nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh tại UBND huyện Bình Chánh theo hình thức hộ kinh doanh cá thể.
Đến ngày 18/8, Công an huyện Bình Chánh ra quyết định xử lý vi phạm hành chính. Ngoài lỗi trên, ông Tấn còn bị phạt thêm 4 lỗi khác là không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe định kỳ; không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm... Tổng số tiền phạt là 17 triệu đồng.
Chỉ 1 ngày sau (19/8), ông Tấn được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ngày 10/9/2015, quán cà phê của ông Tấn lại bị kiểm tra và bị lập biên bản các lỗi như kinh doanh sai địa điểm, sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm, sử dụng khu vực chế biến có côn trùng gây hại; thải nước thải chưa qua xử lý vào môi trường.
Ngày 25/9/2015, ông Tấn nhận được lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “kinh doanh trái phép”.
Ngày 25/1/2016, VKSND huyện Bình Chánh ra cáo trạng truy tố và chuyển hồ sơ sang TAND huyện Bình Chánh để xét xử vào ngày 28/4/2016.
Ngay sau khi nhận được thông tin từ báo chí, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã chỉ đạo Giám đốc Công an TP.HCM, Viện trưởng VKSND TP.HCM khẩn trương làm rõ vụ việc.
Đến sáng 21/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp gọi điện cho Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu dừng ngay việc hình sự hóa vụ việc này./.