Nợ nần không thể trả, mâu thuẫn không thể giải quyết, ghen tuông mù quáng… để tìm lối thoát cho những bế tắc trong cuộc sống người ta chọn cách tự tử - Hiện tượng này đang có nguy cơ xuất hiện thường xuyên trong thời gian gần đây.

ha_nhung_dnea.jpg
Hiện trường ngồi nhà số 218 đường Trần Phú, nơi xảy ra vụ việc thương tâm khiến cả gia đình 4 người cùng tử vong (Ảnh: Nguyễn Hải)

Vụ việc mới đây nhất xảy ra ở Thanh Hóa khiến cả gia đình 4 người ông Ngô Lê Hà tử vong có thể xem như một hồi chuông cảnh tỉnh cho tình trạng tự tìm cách giải thoát tiêu cực này.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, do nợ nần trong hoạt động kinh doanh với số tiền lớn nên túng quẫn, người chồng đã đầu độc vợ và hai con trai chết bằng thuốc tân dược rồi sau đó treo cổ tự tử. Tại hiện trường, công an thu được nhiều vỏ thuốc tân dược Zezipam và Zenpam, loại thuốc an thần độc tố liều cao, cấm bán trên thị trường.

Trong bức thư tuyệt mệnh cùng đoạn ghi âm có lời trăng trối trong hai điện thoại iPhone của vợ chồng anh Ngô Lê Hà - chị Trần Thị Nhung, ông Hà thừa nhận mấy năm gần đây do làm ăn thua lỗ, làm công trình không đủ trả lãi “nợ trong, nợ ngoài” với số lãi phải trả hàng năm từ 4-5 tỉ đồng. Ước tính con số nợ nần mà ông Hà đang mắc nợ lên tới hàng chục tỉ đồng, vì vậy ông Hà cầu xin mọi người mà ông đang mắc nợ tha lỗi cho ông. Trong bức thư, ông Hà cũng lý giải vì sao ông phải tước đoạt mạng sống của vợ con bởi ông không muốn họ ở lại “sống không bằng chết” bởi dư luận, làm vậy cả gia đình ông sẽ tiếp tục được quây quần…”.

Dư luận không khỏi bất bình trước hành động tiêu cực của ông Hà, vì sự cùng quẫn mà tước đoạt mạng sống của vợ, con những người thân yêu nhất của mình.

Không chỉ bế tắc, nợ nần trong làm ăn người ta mới tìm đến cách tự giải thoát, có khi chỉ vì những mâu thuẫn trong quan hệ vợ chồng nhiều người không giữ được bình tĩnh cũng đã chọn cách giết người thân rồi tự sát.

Vụ việc xảy ra tại xóm Sơn Bắc, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An, nạn nhân là chị Tăng Thị Hiền (20 tuổi) bị chồng cũ là Nguyễn Văn Tú (26 tuổi, trú tại Quỳ Hợp, Nghệ An) đâm chết khiến người thân chưa quên được nỗi đau này. Sự việc xảy ra khi chị Hiền và Tú đã ly hôn, Tú đề nghị được nuôi đứa con chung nhưng chị Hiền không đồng ý, hai bên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Trong cơn nóng giận, Tú xuống bếp nhà Hiền lấy con dao với ý định khống chế Hiền phải đồng ý. Không đạt được yêu cầu, Tú đâm 2 nhát vào bụng, ngực chị Hiền rồi tự đâm vào bụng mình tự tử. Hậu quả chị Hiền tử vong, còn Tú bị thương trong tình trạng nguy kịch.

Trước đó không lâu, vụ án mạng nạn nhân là bà Nguyễn Thị Lan (63 tuổi, ngụ ấp 5, xã Tân Khai, huyện Hớn Quản, Bình Phước) bị chồng là Phan Xuân Hiệu (51 tuổi) đâm chết khiến dư luận người dân ở đây không khỏi bàng hoàng. Bà Lan và ông Hiệu kết hôn với nhau từ năm 1992 và có chung 3 người con (bà Lan cũng đã có 3 người con riêng). Do công việc làm ăn không thuận lợi nên bà Lan và ông Hiệu thường xảy ra mâu thuẫn dẫn đến cãi vã, xô xát. Ông Hiệu được cho đã dùng dao đâm nhiều nhát khiến bà Lan tử vong, sau đó ông Hiệu cũng tự cắt mạch máu để tự sát.

Nhưng vụ việc trên đây chỉ là con số rất ít những vụ việc tương tự xảy ra thời gian qua. Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân của sự tuyệt vọng, bế tắc là do con người ta không tìm thấy được giải pháp nào để giải quyết vấn đề của mình. Trong khi đó, bản thân mỗi cá nhân chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng để vượt qua những khó khăn họ gặp phải.

Pháp luật TPHCM dẫn lời ThS Lê Minh Tiến, giảng viên Xã hội học ĐH Mở TP.HCM cho rằng nếu trong một xã hội có đầy đủ các định chế giúp cho con người ta mỗi khi gặp khó khăn thì có lẽ sẽ giảm bớt được phần nào sự chọn lựa tiêu cực – tự tử.  Trong kinh doanh, nếu người dân dễ dàng tiếp cận các định chế tài chính khi khó khăn thì ắt sẽ khó có chuyện tự tử vì nợ nần. Nếu cá nhân có thể tìm thấy những sự tương trợ từ học đường hay gia đình thì chắc sẽ không có chuyện quyên sinh vì căng thẳng trong việc học. Nếu phương Tây người ta chú trọng dạy học sinh sự tự lập, khả năng xác định và giải quyết vấn đề thì ngược lại, giáo dục của chúng ta vẫn còn lơ là ở mặt này./.