Sau hơn 2 tháng điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước đã chính thức kết luận điều tra vụ án giết người, cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 7/7, tại ấp 2, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành để chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát cùng cấp tiến hành thủ tục truy tố ra tòa đối với 3 bị can: Nguyễn Hải Dương, 24 tuổi, quê An Giang; Vũ Văn Tiến, 24 tuổi, quê Bình Phước, và Trần Đình Thoại 27 tuổi, quê Vĩnh Long bị truy tố về tội “giết người ” và “cướp tài sản”.

tham_sat_gakw.jpg
3 bị can Vũ Văn Tiến, Nguyễn Hải Dương và Trần Đình Thoại (từ trái sang)

Trong vụ trọng án này, Nguyễn Hải Dương được xác định là kẻ chủ mưu, trực tiếp sát hại 6 người. Vũ Văn Tiến là trợ thủ đắc lực giúp Dương khống chế các nạn nhân. Trần Đình Thoại là đồng phạm với Dương, cung cấp dao để Dương giết người. Hành vi của Dương và Tiến đủ yếu tố cấu thành tội “Giết người”, “Cướp tài sản” quy định tại Điều 93, 133 Bộ Luật hình sự. Hành vi của Thoại là đồng phạm với Dương về tội “Giết người”, “Cướp tài sản” quy định tại Điều 93, 133 Bộ Luật hình sự.

Theo VnExpress, Cơ quan điều tra cũng khẳng định, quá trình thu thập dấu vết hiện trường và khám nghiệm tử thi các nạn nhân đối chiếu với lời khai của 3 bị can là trùng khớp. Kết quả giám định cho thấy Dương và Tiến không mắc bệnh tâm thần, đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Tổng tài sản mà các bị can cướp được là 49.227.058 đồng.

VnExpress cũng dẫn lời Luật sư Hoàng Kim Vinh – Trưởng đoàn luật sư tỉnh Bình Phước, người được chỉ định bào chữa cho các bị cáo cho biết, so với những ngày đầu, Dương và Tiến có suy sụp hơn. Một phần do tác động từ những hành vi phạm tội quá nghiêm trọng, phần do bị giam giữ. Quá trình tiếp xúc trong trại giam, Dương và Tiến bày tỏ nguyện vọng được gặp cha mẹ. Tuy nhiên, đây là vụ trọng án nên yêu cầu này chưa được cơ quan công an chấp thuận.

Vì hận tình mà Nguyễn Hải Dương đã hành động sai trái

Luật sư Vinh cũng bày tỏ áp lực khi khi nhận trách nhiệm bào chữa cho Dương và Tiến bởi hành vi phạm tội của các bị can đã quá rõ ràng và tàn ác, bị xã hội phẫn nộ, lên án. Nhưng nếu không bào chữa thì không thể hiện được trách nhiệm và tính nhân đạo của luật sư trong những vụ án như vậy. Ông cho biết, trong quá trình bào chữa sẽ cân nhắc tới những tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo như thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận, phạm tội lần đầu; Còn Dương, xuất phát từ những bức xúc về tâm lý do chuyện tình cảm không như mong muốn nên đã lựa chọn cách hành xử sai trái...

Theo Công an TPHCM, khoảng tháng 10/2013, Nguyễn Hải Dương tình cờ quen và quan hệ tình cảm yêu đương Lê Thị Ánh Linh (nạn nhân trong vụ trọng án) qua mạng xã hội (Zalo) khi Linh đang học tại TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Sau khi giới thiệu với gia đình, cha mẹ Linh (ông Lê Văn Mỹ và bà Nguyễn Lê Thị Ánh Nga) đồng ý. Từ đó, Dương thường về nhà Linh chơi vào dịp cuối tuần. Khoảng tháng 2/2015, Dương phát hiện Linh quen thanh niên khác và biết nguyên nhân là do ý muốn của mẹ Linh (bà Nga) nên Dương và Linh đồng ý chia tay. Một thời gian sau, dù đã có bạn gái mới nhưng Dương vẫn cảm thấy không thể thiếu Linh. Dương đem lòng thù hận mẹ Linh vì nghĩ bà Nga ngăn cản, từ đó nảy sinh ý định giết Linh và cả gia đình của Linh rồi tự tử./.