Tiếp tục phiên tòa xét xử Nguyễn Hồng Khanh (cựu Bí thư thị xã Bến Cát) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí”, sáng nay (13/12), Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương mới kết thúc phần xét hỏi. Tính đến hôm nay, phiên tòa đã kéo dài thời gian hơn so với dự kiến trước đó là kết thúc vào ngày 12/12.   

vov_ben_cat_1_eiqj.jpg
Luật sư bào chữa của bị cáo Khanh đang hỏi nhân chứng mới

Tại phiên tòa sáng nay, luật sư bào chữa cho bị cáo Khanh đề nghị thêm một nhân chứng và người này sẽ cho lời khai từ phòng riêng biệt để đảm bảo bí mật đời tư. Tuy nhiên, HĐXX không chấp thuận và đã triệu tập nhân chứng đến trả lời công khai tại phiên tòa.

Nhân chứng là bà Nguyễn Thị Luyến, hiện đang sống tại TPHCM. Trả lời thẩm vấn, bà Luyến cho hay, không quen biết ai trong vụ án này. Từ thông tin báo chí cho rằng ông Khanh bị khởi tố vì mua đất thế chấp ngân hàng giá rẻ, không đồng tình nên bà quyết định đến tòa làm chứng.

Theo bà Luyến, tháng 4/2012, bà có ý định mua lô đất của bà Hồ Thị Hiệp (Giám đốc Công ty An Tây) và đã thương lượng được giá bán là 580 triệu đồng/ha, rẻ hơn giá ông Khanh mua 70 triệu đồng/ha. Thế nhưng, bà Hiệp đổi ý không bán hết lô đất mà bán từng mảnh một và bán từ trong ra ngoài nên bà quyết định không mua. Mặt khác, bà muốn mua hết tài sản máy móc, nhà xưởng có trên đất nhưng bà Hiệp không đồng ý bán.

Được triệu tập đến tòa để lấy lời khai, ông Nguyễn Hữu Trọng (sinh năm 1970, ngụ thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) là người môi giới giới thiệu ông Khanh mua đất của bà Hiệp trình bày, ông biết được bà Hiệp muốn bán lô đất nên đã báo cho ông Khanh. Giá cả thỏa thuận do ông Khanh và bà Hiệp làm việc với nhau chứ ông không can thiệp, tiền môi giới 200 triệu đồng do ông Khanh trả.

Bị hại là đại diện ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn trả lời thẩm vấn

Tham gia phiên tòa với tư cách là bị hại, đại diện của Ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn khẳng định, tài sản mà cá nhân, tổ chức thế chấp, bảo đảm thế chấp tại ngân hàng vẫn thuộc quyền sở hữu cá nhân, tổ chức. Khi khách không trả nợ, ngân hàng mới thực hiện các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm, thế chấp và khởi kiện là một trong những biện pháp đó.  Trường hợp của bà Hiệp, để thu hồi nợ xấu, ngân hàng đã đồng ý cho bà bán lô đất của mình cho ông Khanh. Bà Hiệp đưa ra giá mua bán với ông Khanh, ngân hàng có đi kiểm tra thực tế, đăng báo và tìm hiểu giá mua bán đất khu vực xã An Tây lúc bấy giờ. Đại diện ngân hàng nói, quá trình xử lý tài sản thế chấp, bảo đảm thế chấp thông thường chỉ thu về được 40-50% số tiền khách đang nợ.

Trước đó, tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Hồng Khanh phủ nhận "bắt tay" với cán bộ ngân hàng để hưởng lợi, và việc mua bán đất giữa bị cáo và bà Hiệp là giao dịch dân sự. Hai bị cáo Nguyễn Huy Hùng và Nguyễn Quang Lộc là cán bộ ngân hàng cũng cho rằng, các lần ông Khanh mua tài sản thế chấp của bà Hiệp đều được bà Hiệp có đơn đề nghị. Để từ đó, ngân hàng mới tiến hành thẩm định, xem xét giá, quy trình và đồng ý. Sau đó, tài sản được giải chấp và ký hợp đồng mua bán tại văn phòng công chứng.

Theo cáo trạng, từ năm 2012 đến năm 2015, ông Nguyễn Huy Hùng và Nguyễn Quang Lộc trực tiếp thực hiện việc xử lý tài sản thế chấp của Công ty An Tây và Công ty Gỗ Mỹ Hiệp do bà Hồ Thị Hiệp (sinh năm 1945, đã mất năm 2015) cùng con gái là Nguyễn Hiệp Hảo (đang định cư tại Mỹ) thành lập để thu hồi nợ. Hùng và Lộc đã cấu kết với bà Hiệp, ông Khanh thực hiện việc xử lý tài sản thế chấp trái với quy định pháp luật. Theo đó, ông Khanh và bà Hiệp đã làm hợp đồng mua bán tài sản thế chấp 4 lần. Tổng cộng ông Khanh đã mua hơn 18 ha đất mà bà Hiệp cầm cố tại ngân hàng BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn.

Cơ quan tố tụng Bình Dương cho rằng vụ mua bán này là sai quy định, quy trình xử lý tài sản thế chấp. Theo kết luận định giá toàn bộ diện tích đất thời điểm chuyển nhượng có giá trị gần 46 tỷ đồng nhưng ngân hàng chỉ thu hồi được hơn 10 tỷ đồng, gây thất thoát cho nhà nước gần 36 tỷ đồng./.