Ngày 8/9, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Ngô Kiều Hưng thuộc Hãng luật Giải phóng, TP.HCM, về trường hợp Thiếu tá Lê Minh Chánh - Trưởng Công an thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang nổ súng bắn đối tượng Hữu (26 tuổi) để cứu bé gái 13 ngày tuổi, cũng như mẹ bé và những người khác.
luat_su_ngo_kieu_hung_zimt.jpg
Luật sư Ngô Kiều Hưng

PV: Ông nhận định thế nào về trường hợp Thiếu tá Chánh nổ súng bắn đối tượng đang khống chế bé gái 13 ngày tuổi gây xôn xao dư luận thời gian gần đây?

Luật sư Ngô Kiều Hưng: Theo như phản ánh thì Thiếu tá Chánh đã hành động dùng súng bắn chỉ thiên, sau đó bắn đối tượng Hữu là chính đáng. Vì trong trường hợp này tính mạng của hai mẹ con chị Ly bị đe dọa, có nguy cơ bị giết chết ngay tức khắc. 

Thiếu tá Chánh có quyền sử dụng vũ khí tấn công kẻ đang có hành vi cố ý sát hại người khác. Hành động của thiếu tá Chánh bắn vào bụng Hữu nhằm vô hiệu động tác dìm cháu bé vào bồn nước, cứu cháu bé khỏi nguy cơ bị chết là kịp lúc, kịp thời và hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, phải xem xét góc độ, thời điểm đó ngoài súng thì có phương tiện gì khác có thể hạn chế, khống chế hung thủ hay không.

PV: Ông có cho rằng trường hợp hung thủ tử vong là sự cố ngoài ý muốn?

Luật sư Ngô Kiều Hưng:Có thể, hung thủ chết là ngoài ý muốn chủ quan của Thiếu tá Chánh cũng như mọi người.

Bởi Điểm d, Điều 22 Quy định nổ súng, Pháp lệnh số: 16/2011/UBTVQH12 về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nêu: "Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra". Tuy nhiên, do hung thủ bị mất máu nhiều, vết thương quá nặng nên đã tử vong.

PV: Ông đánh giá thế nào về việc dư luận rất đồng tình trong việc Thiếu tá Chánh nổ súng bắn hạ đối tượng trong sự việc lần này?

Nói chung, mọi việc làm, hành vi, hành động của cán bộ công chức, viên chức phải được sự giám sát, theo dõi, đánh giá của người dân, dư luận, báo chí. 

Vụ việc này có sự chứng kiến trực tiếp của nhiều người dân, cán bộ hưu trí, đảng viên... như vậy càng đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch, giúp dư luận nhìn nhận xác đáng hơn, càng tốt cho bản thân Thiếu tá Chánh cũng như những người trực tiếp giải quyết vụ việc.

PV: Ở Mỹ, cảnh sát có quyền nổ súng bắn nếu người được yêu cầu kiểm tra có dấu hiệu bất chấp hiệu lệnh. Ở nước ta, quy định về việc này còn chưa thực sự mạnh mẽ để răn đe những kẻ có hành vi chống đối, coi thường pháp luật? 

Luật sư Ngô Kiều Hưng: Mỗi đất nước, vùng lãnh thổ có những quy định khác nhau về mặt pháp lý. Ở Mỹ, pháp luật hầu như cho người dân sở hữu súng, trừ những trường hợp cấm sử dụng, không thể so sánh như ở Việt Nam. 

Tuy nhiên, ta xem những đoạn video clip đưa lên mạng internet, tại Mỹ, có những trường hợp mặc dù đối tượng chưa "động thủ" nhưng bất chấp hiệu lệnh của cảnh sát như bỏ chạy hay có hành vi cố tình chống trả bằng tay không...thì cảnh sát Mỹ cũng đã nổ súng trực diện vào đối tượng chứ không hề bắn cảnh cáo chỉ thiên lên trời. 
Theo tôi được biết, ở Mỹ không chờ đến đối tượng ra tay hành động rồi cảnh sát mới bắn mà khi phát hiện thấy có "mối nguy hiểm" thì buộc họ nổ súng. 
Mẹ con chị Ly đang được điều trị tại bệnh viện Phú Quốc
Còn ở Việt Nam, ngoài những trường hợp lạm dụng công cụ hỗ trợ, lạm dụng vũ khí thì số còn lại, người thi hành công vụ vẫn còn nhát tay trong việc nổ súng. 
Có thể, người thi hành công vụ sợ liên quan trách nhiệm bản thân, sợ dư luận, báo chí. Những trường hợp chần chừ như thế, đôi lúc ảnh hưởng thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của nạn nhân hoặc người thi hành công vụ.

Chiều cùng ngày, trả lời phỏng vấn PV VTC News, Đại tá Phạm Trung Thành - Chánh văn phòng Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, Thiếu tá Chánh bắn tổng cộng 4 viên đạn, trong đó có 3 viên đạn cao su, 1 viên đạn đồng (2 viên đạn cao su đầu tiên bắn chỉ thiên, 1 viên cao su thứ 3 bắn vào người hung thủ nhưng không hiệu quả, buộc Thiếu tá Chánh nổ viên đạn đồng từ khẩu K59 hạ gục hung thủ). 

Theo báo cáo, Thiếu tá Chánh dự định bắn vào đùi hung thủ nhưng do trong lúc đối tượng di chuyển nên đã trúng vào hông, xuyên đốt sống gây mất máu nên đã tử vong sau đó.

PV: Xin cảm ơn Luật sư./.

Quy định sử dụng súng và nổ súng đối với lực lượng thi hành nhiệm vụ 

Khoản 3 Điều 22 Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 đã quy định 7 trường hợp nổ súng, cụ thể như sau:

a)     Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác.

b)    Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

c)     Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ.

d)    Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

e)     Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại.

f)      Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế.

g)     Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.