Men theo con đường mòn mà các đối tượng phá rừng vận chuyển gỗ, chúng tôi tiếp cận hiện trường vụ phá rừng vừa xảy ra ở Tiểu khu 142 và Tiểu khu 145.

vov_rung_1_dbpn.jpg
Hơn 100 mét khối gỗ rừng phòng hộ bị đốn hạ, các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm.

Rừng bị tàn phá thuộc địa bàn xã Vĩnh Sơn, huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Gỗ rừng bị cưa xẻ thành khúc còn ngổn ngang. Cả một vạt rừng cây cổ thụ to bằng mấy người ôm bị triệt hạ trơ gốc.

Theo kết quả đo đếm của cơ quan chức năng, hơn 100 mét khối gỗ vừa bị đốn hạ. Dấu vết tại hiện trường cho thấy, rừng phòng hộ đầu nguồn này bị lâm tặc tàn phá trong một thời gian dài nhưng không được ngăn chặn.

Ông Đặng Bá Quang, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh thừa nhận, đây là vụ phá rừng quy mô lớn, có tổ chức.

"Trước đây, khi chưa di dời lòng hồ Định Bình, ở trên đó là địa bàn một xã. Việc rừng gần dân thì có thuận lợi nhất định, người dân phối hợp cung cấp thông tin thường xuyên hơn, nhưng hiện rừng ở xa khu dân cư, chúng tôi đã kịp thời ngăn chặn, tuy nhiên đáng tiếc là không bắt được thủ phạm", ông Quang cho hay.

Gỗ rừng bị đốn hạ còn trơ gốc.

Rừng bị rút ruột một thời gian dài, cả Kiểm lâm, chủ rừng và chính quyền địa phương không hay biết. Thế nhưng khi xảy ra sự việc, các ngành chức năng và chính quyền địa phương lại đổ lỗi cho lực lượng mỏng và đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau (!?).

Ông Trần Văn Hóa, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh, đơn vị được giao nhiệm vụ bảo vệ diện tích rừng khu vực này cho rằng, trong số 38.000 ha rừng phòng hộ trên địa bàn, đơn vị mới được giao quản lý 25.000 ha, trong đó mới có 11.000 ha được cấp sổ đỏ.

Khu vực rừng bị phá nằm ngoài phạm vi diện tích rừng được chính thức giao bảo vệ. Ông Hóa viện dẫn Quyết định số 07 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2012 “về một số chính sách tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng” cho rằng, đối với diện tích rừng phòng hộ chưa được bàn giao cho chủ rừng, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lý.

"Theo Quyết định 07 của Chính phủ, nếu rừng chưa giao cho ai, thì rừng này thuộc địa giới hành chính thuộc địa phương nào thì địa phương đó quản lý. Cơ quan hiện rất thiếu về lực lượng", ông Hóa giải thích.

Trong khi đó, ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh khăng khăng, dù chưa được cấp sổ đỏ nhưng theo quy định, rừng phòng hộ thì chức năng quản lý thuộc về Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh. Đơn vị này phải có trách nhiệm bảo vệ.

Theo ông Lê Văn Đẩu, huyện đang chỉ đạo các đơn vị phối hợp với cơ quan điều tra cung cấp chứng cứ để làm rõ vụ việc.

Về phía huyện sẽ tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với các cá nhân, đơn vị để xảy ra tình trạng phá rừng.

Lán trạn của lâm tặc dựng để ở phá rừng

"Về nguyên tắc, rừng phòng hộ giao cho ban quản lý rừng phòng hộ bảo quản. Chưa cấp sổ đỏ giao quyền, còn chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý rừng phòng hộ bảo quản, không thể đổ thừa diện tích này mình chưa nhận. Ủy ban huyện đề nghị các tổ chức, chủ rừng kiểm điểm trách nhiệm. Còn xử lý cán bộ chờ kết luận của cơ quan điều tra, nếu như lực lượng của mình có tham gia khai thác gỗ trái phép thì huyện sẽ kiên quyết xử lý", ông Đẩu cho hay. 

Tại tỉnh Bình Định, thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng quy mô lớn. Nổi cộm là vụ phá rừng có tổ chức do Lê Văn Thiệt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư - Kinh doanh tổng hợp Thương Thảo chặt phá gần 61 ha rừng xã An Hưng, huyện An Lão vào giữa năm 2017.

Đến nay, vụ án sau nhiều lần trì hoãn vẫn chưa đưa ra xét xử. Vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn vừa xảy ra ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh với hơn 100 m3 gỗ bị triệt hạ càng gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, đây là vụ phá rừng quy mô lớn, có tổ chức và được người dân địa phương hướng dẫn người nơi khác đến phá rừng. Để xảy ra phá rừng trong thời gian khá dài có trách nhiệm của Kiểm lâm, Công an, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh và chính quyền địa phương.

Ông Trần Châu đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra khởi tố vụ án, truy bắt đối tượng phá rừng, xử lý nghiêm theo qui định của pháp luật: "Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Ban quản lý rừng phòng hộ và các chủ rừng, để xảy ra vụ việc lớn. Cho nên phải kiểm điểm trách nhiệm, kiểm điểm đối với lãnh đạo huyện phụ trách chính lĩnh vực này. Giao cho Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh tiến hành kiểm điểm".

Đến nay, cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự “vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng” xảy ra tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh và đang tiến hành điều tra.

Câu hỏi được đặt ra là, đối tượng trực tiếp phá rừng đã bỏ trốn nơi đâu? Điều đáng nói, hàng loạt cánh rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn tại Bình Định liên tục bị đốn hạ. Các ngành chức năng vào cuộc ngăn chặn, điều tra, truy tố, xét xử và xử lý nhiều cán bộ sai phạm. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo quyết liệt chính quyền các địa phương tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Thế nhưng, nhiều cánh rừng ở tỉnh Bình Định vẫn tiếp tục chảy máu. Ai là người chịu trách nhiệm khi nhiều cánh rừng quý hiếm bị “xóa sổ” giữa ban ngày trong thời gian dài?/.