Ngày 15/7 tới, Thông tư 15 của Bộ Y tế quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ có hiệu lực.
Trong khi Bộ Y tế cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này sẽ góp phần cân đối quỹ Bảo hiểm y tế đến năm 2020 và kiểm soát việc bệnh viện lạm dụng chỉ định để tăng nguồn thu, trong khi quan điểm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam lại cho rằng một số quy định trong Thông tư 15 có thể giúp cho bệnh viện dễ lạm dụng chỉ định để tăng nguồn thu.
BHXH lo ngại lạm dụng chỉ định để tăng nguồn thu.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thông tư 15 đưa ra một số định mức để tính giá dịch vụ y tế chưa sát thực tế, chủ yếu dựa trên kết quả khảo sát của bệnh viện tuyến trên để áp dụng trên toàn quốc, dẫn tới chi phí thanh toán bảo hiểm y tế cho một số kỹ thuật sẽ cao hơn so với chi phí thực tế.
Thời gian qua, một số bệnh viện đã kê thêm nhiều giường bệnh, chênh lệch quá cao so với số nhân lực y tế để tăng nguồn thu. Khi Thông tư 15 có hiệu lực càng khó kiểm soát việc lạm dụng chỉ định như vừa nêu.
Ông Lê Văn Phúc, phó Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (thuộc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết: “Quy chuẩn thiết kế mỗi giường bệnh để được thanh toán cần có diện tích 5m2 nhưng một số cơ sở y tế kê tăng thêm rất nhiều. Bệnh viện kê thêm rất nhiều giường bệnh san sát vào nhau và hầu như không còn lối đi.
Tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa kê thêm rất nhiều giường bệnh. Tôi đã đến Bệnh viện Y học cổ truyền ở Nghệ An cũng có tình trạng kê thêm nhiều giường bệnh. Thậm chí có nhiều trường hợp, bệnh nhân này muốn lên giường của mình phải trèo qua giường của bệnh nhân khác”.
Tuy nhiên, nhiều bệnh viện lại cho rằng, từ trước đến nay các Thông tư của Bộ Y tế đã có những quy định cụ thể, nhưng khi quyết toán hoặc thanh tra, kiểm tra tại cơ sở y tế thì cơ quan bảo hiểm xã hội lại đưa ra những quy định riêng khiến bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong việc thanh toán bảo hiểm y tế.
Bà Nguyễn Thị Kim Phúc, Kế toán trưởng Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết: “Thanh toán ngày giường bệnh đối với các cơ sở có giường bệnh được giao xác định theo quý và số lượng giường được xác định theo cả một đơn vị.
Tuy nhiên khi thanh, quyết toán, bên Bảo hiểm lại tính theo ngày và theo Khoa, như vậy đã gây nên bất cập khi chúng tôi bị vượt mức ở những Khoa quá tải và số quyết toán của chúng tôi ít hơn so với thực tế”.
Vấn đề mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam lo ngại nhất là Thông tư 15 đã tăng định mức tối đa về số lượt khám. Cụ thể, một bác sĩ được khám đến 65 lượt bệnh nhân trong một ngày, trong khi trước đây định mức tối đa chỉ là 35 lượt khám.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng điều này sẽ dẫn đến thời gian khám cho từng bệnh nhân sẽ ít đi, ảnh hưởng đến chất lượng khám bệnh. Đặc biệt là có thể dẫn đến tình trạng kê khống bệnh nhân hoặc tìm mọi cách đưa bệnh nhân đến khám đông để tăng nguồn thu từ việc bảo hiểm y tế chi trả.
Ông Lê Văn Phúc, phó Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (thuộc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) nói: “Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ có một văn bản hướng dẫn đối với Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc TW thực hiện thông tư 15 này.
Chúng tôi cũng cam kết những hướng dẫn sẽ xin ý kiến của Bộ y tế trước khi ban hành văn bản để tạo được sự thống nhất trong việc hướng dẫn thực hiện. Văn bản này sẽ được ban hành trước khi thực hiện thông tư 15, tức là trước ngày 15/7”.
Ông Lê Văn Phúc cũng cho rằng, khi thực hiện Thông tư 15, Bộ Y tế và bệnh viện cần công khai định mức căn cứ xây dựng giá dịch vụ y tế để người dân giám sát việc thực hiện và để người bệnh biết mình được hưởng những quyền lợi gì.
Bởi lẽ hiện nay, các bệnh viện được tự chủ tài chính và thực hiện xã hội hóa nhiều, người bệnh bảo hiểm y tế vẫn phải nộp thêm khá nhiều tiền mà không được giải thích…
Trước những đề nghị của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Trong giai đoạn vừa qua, trong quá trình triển khai có những vướng mắc bởi có những nội dung Thông tư chưa được rõ. Ngay cả Bộ cũng phải có công văn để giải thích. Bảo hiểm trong quá trình quản lý Quỹ cũng đã ban hành những công văn nhưng cũng gây nên những bức xúc lớn đối với các đơn vị, không biết đâu là cơ quan quản lý, thực hiện theo văn bản nào.
Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ và được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về Bảo hiểm y tế. Bộ Y tế đã thống nhất với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội để ban hành giá này. Chúng tôi nhận thấy, Thông tư 15 cũng còn có một số vướng mắc và thời gian tới sẽ điều chỉnh cho phù hợp, trên cơ sở hợp nhất các thông tư về điều chỉnh giá dịch vụ y tế ”.
Bộ Y tế cũng đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chỉ đạo bảo hiểm xã hội các địa phương thực hiện thanh toán kịp thời cho bệnh viện theo Thông tư 15 có hiệu lực từ ngày 15/7 tới.
Nếu phát hiện các mức giá chưa phù hợp thì có văn bản đề nghị Bộ Y tế xem xét điều chỉnh kịp thời; tránh tình trạng dồn lại không thanh toán, ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh của các cơ sở y tế./.
Thông tư 15 của Bộ Y tế có khiến bệnh nhân thứ 66 không được khám?
VOV.VN - Thông tư số 15 của Bộ Y tế đã quy định mỗi bác sĩ khám đến 65 lượt bệnh nhân một ngày.
Bộ Y tế yêu cầu cung ứng thuốc tim mạch Digoxin phục vụ điều trị
Digoxin là thuốc tim mạch chỉ định trong trường hợp: suy tim sung huyết, rung nhĩ, nhịp tim nhanh kịch phát trên thất.
Bộ Y tế Campuchia công nhận bằng bác sỹ do Việt Nam đào tạo
VOV.VN - Chiều 5/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Campuchia, Mam Bun Heng đã ban hành một thông báo công nhận bằng bác sỹ do Việt Nam cấp.
Tụt dốc về cải cách hành chính, Bộ Y tế cần làm gì?
VOV.VN- Từ vị trí số 11 trong số 19 bộ, ngành vào năm 2016, Bộ Y tế đã “tụt dốc” 7 bậc, xuống vị trí áp chót chỉ sau một năm về xếp hạng cải cách hành chính.