Sáng nay (21/2), ông Võ Văn Hoan - Chánh Văn phòng UBND TPHCM cho biết hiện tại đã có số điện thoại đường dây nóng, tuy nhiên đến thứ Hai tuần sau (ngày 22/2), Ủy ban mới bàn cách quản lý đường dây nóng.

Theo ông Hoan, trước đây UBND TP cũng đã có đường dây nóng nhưng nằm trên hệ thống Cổng Thông tin điện tử của Ủy ban. “Bây giờ có nhiều nội dung thông tin đòi hỏi phản ánh tức thời, xử lý ngay, nếu đưa lên mạng Cổng Thông tin điện tử thì sẽ chậm và yêu cầu người dân phải gửi thư. Mở thêm đường dây nóng nhằm mục đích mở rộng khả năng xử lý cho tốt hơn, chứ còn bản thân thì đường dây nóng đã có rồi” - ông Hoan nói.

ongphong_mvmy_xdmo.jpg
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo tại cuộc họp đầu năm với các quận-huyện và sở-ngành sáng 18/2.

UBND TP lập đường dây nóng để doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân... có thể phản ánh những vấn đề bức xúc cũng như đề xuất, hiến kế, đóng góp cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND TP được hiệu quả hơn.

Việc thành lập đường dây nóng của UBND TP xuất phát từ chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong.

Trước đó, tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức, chăm lo tết Bính Thân 2016 vào sáng 18/2, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã nói rằng: “Còn sự trì trệ nào mà các doanh nghiệp thấy bức xúc thì hãy gọi cho tôi. Các trường hợp nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp phải kiên quyết xử lý nghiêm”.

Người đứng đầu chính quyền TP chia sẻ, trong thường trực UBND TP chỉ còn một đồng chí cũ, hai bổ sung mới. Một phó chủ tịch hiện thời phải làm công việc của hai phó chủ tịch cũ. Ngoài ra, giám đốc các sở liên quan đến doanh nghiệp như kế hoạch đầu tư, tài chính, kiến trúc, tài nguyên môi trường, giao thông... đều là những người mới.

"Do đó, có những đề xuất của doanh nghiệp thì lãnh đạo sở phải bỏ nhiều thời gian nghiên cứu, lắng nghe nên chậm tham mưu lên trên. Điều này khiến doanh nghiệp và người dân có phần không hài lòng.

Tuy nhiên, tôi hứa sẽ giải quyết triệt để vấn đề này trong quý tới" - ông Phong hứa và khẳng định cá nhân ông cũng như lãnh đạo TP không chấp nhận sự trì trệ của cơ quan đơn vị nhà nước làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư./.