Tại cuộc họp, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, công tác phòng chống dịch đã được ngành nông nghiệp chủ động triển khai. TP chưa tiếp nhận nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc nhưng cũng đã đưa ra nhiều phương án trong trường hợp có dịch.
vov_heo_chau_phi_gylv.jpg
Toàn cảnh cuộc họp.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm TP HCM cũng cho biết: Ban phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y để kiểm soát tình hình dịch tả heo Châu Phi. Dịch tả heo dù không lây cho người, nhưng lây cho heo khiến tỷ lệ heo chết cao, nên việc heo chết đưa ra thị trường sẽ có nhiều nguy cơ dịch bệnh lây truyền.

Ban An toàn thực phẩm TP HCM bố trí lực lượng kiểm tra, đặc biệt tập trung ở chợ đầu mối kiểm soát kiểm tra nguồn gốc của thịt heo. Cho tới giờ này, Ban An toàn thực phẩm TP HCM chưa phát hiện heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi, nhưng qua kiểm tra đã phát hiện phát hiện bệnh khác như lở mồm long móng trong nguồn heo từ tỉnh khác đưa về TP.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban An toàn thực phẩm TP HCM.

Theo bà Lan đây là lúc TP HCM phải đề cao cảnh giác. TP đã có chốt chặn kiểm tra từ khâu heo sống đưa vào lò mổ đã xét nghiệm, đảm bảo nguồn gốc giấy tờ, nếu phát hiện thì kiên quyết tiêu hủy, không giấu bệnh. Thứ hai là heo đã mổ rồi thì tăng cường chốt chặn các chợ đầu mối, kiểm tra kĩ nguồn gốc. Đồng thời Ban cũng có những biện pháp nghiệp vụ để truy nguồn gốc và ngăn chặn.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cảnh báo, người dân cần phải nâng cao cảnh giác, không sử dụng thức ăn thừa để cho heo ăn để loại trừ nguy cơ tồn tại virus, đặc biệt là thực hiện nguyên tắc mua sắm, ăn uống an toàn. "Chúng tôi khuyến cáo người dân hãy mua thịt heo ở những địa chỉ tin cậy. Thịt phải được nấu chín, không ăn tái để giảm nguy cơ bệnh tật"./.