Trước diễn biến mực nước vùng đầu nguồn dâng cao, trong chuyến kiểm tra của Đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tại Đồng Tháp, công tác chủ động rà soát các phương án ứng phó, đặc biệt khi tình huống lũ lớn, phương án huy động lực lượng tại chỗ đã được Đoàn yêu cầu địa phương tính đến.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương nêu rõ, diễn biến mùa nước hiện rất phức tạp. Trong đó, dự báo mực nước lũ tại Tân Châu lên đến mức báo động 3.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, mực nước có thể đạt trên báo động 3 từ 10–30 cm vào cuối tháng 9 đầu tháng 10. Mức nước này có thể gây nguy hiểm cho cả khu vực ĐBSCL.

dbscl_1_vov_kvmv.jpg
Công tác gia cố bờ bao tại Đồng Tháp đang được tiến hành khẩn trương

Chính vì thế, ngay từ bây giờ, các địa phương vùng đầu nguồn lũ như An Giang, Đồng Tháp cần tăng cường công tác truyền thông hướng dẫn các biện pháp ứng phó với lũ, phòng chống đuối nước trẻ em, đưa rước trẻ đi học, điểm giữ trẻ tập trung, trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.

Bên cạnh đó, các địa phương cần nghiêm túc triển khai các nội dung theo công điện 45 ngày 27/8 về chủ động ứng phó với lũ ở ĐBSCL, đồng thời địa phương cần chủ động cho nước vào các ô bao đã thu hoạch mà không có kế hoạch tiếp tục sản xuất; sớm để giảm áp lực lên các đê bao, bờ bao.

Hiện nay, tại vùng đầu nguồn Hồng Ngự, trong những ngày qua, mực nước lên rất nhanh, xấp xỉ mức báo động 2.

Mặc dù đã tiến hành xả lũ nhưng áp lực nước quá lớn khiến cho một số đoạn đê bao bị sạt lở, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của bà con./.