Theo Trung tâm Nghiên cứu-Nuôi trồng và chế biến dược liệu tức trại rắn Đồng Tâm (Cục Hậu Cần- Quân Khu 9), tỉnh Tiền Giang, năm nay, đơn vị tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho hơn 1.600 ca bị rắn độc cắn, tăng khoảng 200 ca so với năm 2014.
Điều đáng ghi nhận là 100% trường hợp bị rắn cắn đến đây điều trị đều được cứu sống bằng thuốc kháng huyết thanh. Trong số này có 60% bệnh nhân bị rắn lục đầu dồ đuôi đỏ cắn, đến nhiều ở tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long…
Ca bị rắn độc cắn đã được điều trị qua cơn nguy kịch |
Trung tá Vũ Ngọc Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu-Nuôi trồng và chế biến dược liệu -Cục Hậu Cần (Quân Khu 9) khuyến cáo người dân khi bị rắn độc cắn, cần đưa sớm đến cơ sở y tế cấp cứu, điều trị kịp thời thì sẽ hạn chế tử vong.
Bà con khi bị rắn cắn thì hết sức bình tĩnh, thắt carô hay là băng ép phía trên vết thương từ 3-5 cm. Sau đó, rửa sạch vết thương, băng bó lại rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị. Tuyệt đối không được đến các thầy lang, thầy vườn, vì ở đó chỉ kéo dài thời gian nhiễm độc, không điều trị được rắn độc cắn. Khi đến cơ sở y tế thì người ta có bổ sung cấp cứu và có phương tiện nhanh nhất và biết nơi điều trị để chuyển bệnh nhân đến đó càng nhanh càng tốt./.