Bệnh nhi N. T. V., 9 tuổi ở Tiền Giang được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng rối loạn đông máu nặng, vết thương chỗ rắn cắn sưng bầm và xuất huyết, lan rộng từ bàn chân đến trên cẳng chân phải. 

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 ngay lập tức truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục nhưng sau 6 giờ đồng hồ, tình trạng sức khỏe của cháu bé vẫn không được cải thiện. Tình trạng xuất huyết và sưng bầm tiếp tục lan rộng lên trên đùi phải. Các bác sĩ quyết định  truyền tiếp một liều huyết thanh kháng nọc rắn lục đặc hiệu. Sau một tuần điều trị, tình trạng sức khỏe của cháu N. T. V. đã ổn định, vết thương bớt sưng đau và bớt chảy máu.

ran_can_pddg.jpg
Cháu N. T. V đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 

Người nhà bệnh nhi cho biết cháu V. trèo lên cây hái trái nên bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn vào bàn chân phải. Nhưng thay vì phải lập tức đưa trẻ đến bệnh viện để được truyền huyết thanh kháng nọc rắn thì người nhà lại đưa cháu bé đến nhờ thầy lang đắp thuốc. 

Vết thương chỗ rắn cắn không những không bớt mà còn sưng to, chảy máu tại chỗ và xuất huyết từng mảng toàn thân. Khi cháu bé cho biết rất mệt và xanh xao thì người nhà mới chuyển cháu đến Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 khuyến cáo: Khi bị rắn cắn thì nên đưa nạn nhân nhanh chóng đến bệnh viện vì hiện nay hầu như các bệnh viện lớn đều có các loại huyết thanh kháng nọc rắn. Việc chậm trễ trong điều trị rắn cắn có thể dẫn đến những biến chứng nặng như hoại tử hay rối loạn đông máu nặng./.