Liên quan đến vụ tranh chấp tại bến đò Quơn Long- Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) mà VOV đã từng phản ánh, ngày 5/7, các ngành chức năng huyện Chợ Gạo tổ chức cưỡng chế thi hành theo Quyết định 131 của TAND tỉnh Tiền Giang về việc thu hồi bến đò đối với ông Trần Văn Bé Năm (ngụ ấp Long Thạnh, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo) để bàn giao cho UBND xã Quơn Long.

ben_do_glyh.jpg
Bến đò Quơn Long- Bình Phục Nhứt

Tại buổi cưỡng chế, nhiều người dân ở hai xã Quơn Long và Bình Phục Nhứt tập trung tại bến đò phản ứng việc lấy bến đò giao cho chính quyền địa phương.

Nhiều người dân cho rằng, việc thu hồi bến đò của ông Trần Văn Bé Năm giao cho UBND xã Quơn Long là o ép người dân.

Theo người dân, gia đình ông Trần Văn Bé Năm đã hơn 40 năm gắn bó với bến thủy này và phục vụ tích cực đưa đón khách.

Tuy nhiên, năm 2015, UBND huyện Chợ Gạo không tổ chức đầu thầu công khai, không thông báo cho người đưa đò biết, tự ý chỉ định thầu cho Công ty TNHH Long Phi Vân đầu tư nâng cấp, khai thác bến.

Vụ việc này đã được Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang kết luận theo Thông báo số 22 ngày 2/2/2016 yêu cầu đơn vị chức năng huyện tổ chức đấu thầu lại theo đúng trình tự, thủ tục.

Ông Lê Văn Mỹ - Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo điều hành cuộc cưỡng chế

Việc tổ chức thu hồi bến đò Quơn Long- Bình Phục Nhứt đã làm cho tình hình lưu thông qua lại bến thủy này ngày 5/7 bị bế tắc, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự của địa phương.

Luật gia Nguyễn Văn Giáp - Hội Luật gia Tiền Giang cho biết: “Theo tôi, việc cưỡng chế bến đò Quơn Long, Chợ Gạo là không nên. Trước khi cưỡng chế một nguyên tắc là phải lập biên bản vi phạm hành chính, rồi xử phạt. Khi người ta không chấp hành mới đi đến bước cuối cùng cưỡng chế. Tất nhiên là có thể có vi phạm, nhưng mà chưa làm thủ tục đó là quá vội vàng và chưa đúng trình tự của pháp luật”.

Luật gia Giáp cũng cho rằng, chính quyền lấy bến đò lại thì phải qua đấu thầu, phía người đang bị cưỡng chế được quyền tham gia đấu thầu, nếu đấu thầu sai như kỳ trước thì phải làm lại./.