UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành 4 Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở tại 4 địa điểm “nóng” gồm: Bờ sông Bảo Định, Thành phố Mỹ Tho; đê biển Gò Công, đoạn từ cống Tân Thành đến cầu Rạch Gốc, huyện Gò Công Đông; bờ sông Tiền khu vực cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy và tại khu dân cư ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông.
Sạt lở đất rừng phòng hộ ven biển Gò Công. |
Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và chính quyền các địa phương vùng bị sạt lở và các đơn vị liên quan tổ chức khoanh vùng đang bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở; thiết lập hành lang an toàn và vận động nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ bị sạt lở nguy hiểm; lắp đặt biển báo khu vực bị sạt lở; xây dựng phương án bảo vệ trình UBND tỉnh phê duyệt.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp-Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan nhanh chóng lựa chọn đơn vị tư vấn, tổ chức lập và triển khai thực hiện khẩn cấp dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định pháp luật khác có liên quan, đảm bảo an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có trên 100 điểm sạt lở; trong đó nghiêm trọng nhất là tại bờ Nam kênh Chợ Gạo, kênh Ba Rài, kênh Nguyễn Tấn Thành, kênh Nguyễn Văn Tiếp sông Tiền, sông Bảo Định và khu vực ven đê biển Gò Công.
Dù chính quyền và ngành chức năng địa phương đã tích cực đối phó, khắc phục sạt lở nhưng do nguồn kinh phí còn hạn chế nên hiện này còn nhiều điểm sạt lở chưa được khắc phục gây ảnh hưởng đến cuộc sống, đi lại của người dân./.
Sóc Trăng ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển nguy hiểm
Bến Tre công bố tình huống “khẩn cấp” sạt lở bờ sông, bờ biển