Đi dọc bờ sông Thu Bồn từ xã Điện Quang qua xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, ai cũng dễ nhìn thấy có nhiều chỗ nước ăn sâu vào đất sản xuất nông nghiệp của bà con. Sạt lở bờ sông khiến người dân lo lắng.
Dọc bờ sông Thu Bồn từ xã Điện Quang qua xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn nước sông ăn sâu vào đất sản xuất nông nghiệp. |
Ông Thi Quý Mẫn, ở thôn Hòa Giang, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn cho biết: "Mỗi năm bờ sông bị sạt lở ăn sâu vào bờ từ 10-20m, tôi đang sống ở khu vực thường xuyên bị sạt lở. Gia đình tôi diện tích đất màu ven sông là không còn sản xuất được. Việc sinh sống của người dân xóm Tân Thành thôn Hòa Giang luôn luôn bị đe dọa. Vì sạt lở dọc bờ kè này còn ảnh hưởng trong đời sống dân cư của một số đại bộ phận nhân nhân dọc sông Thu Bồn".
Ông Phạm Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, khoảng 1.700 hộ dân ở 2 thôn Hòa Giang và Tân Bình nằm dọc sông Thu Bồn, cứ đến mùa mưa lũ là mất đất sản xuất.
Người dân lo lắng khi bờ sông liên tục bị sạt lở. |
Theo ông Sơn, gần 400m dọc bờ sông của địa phương này thường xuyên bị sạt lở cần được xây dựng bờ kè nhưng xã không có kinh phí thực hiện.
"Trung ương, tỉnh và thị xã Điện Bàn đã có chủ trương xây dựng kè nhưng vẫn bị sạt lở. Xã cũng đã thực hiện nhiều phương án như trồng bói, chôn cọc, trồng các loại cây hạn chế sạt lở nhưng đối với thiên nhiên quá khắc nghiệt. Địa phương không đủ kinh phí tiếp tục kè đoạn còn lại. Rất mong các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho dân giữ được đất sản xuất; đồng thời bảo vệ được tính mạng của nhân dân", ông Sơn cho hay.
Tại xã Điện Trung có gần 400 mét dọc bờ sông thương xuyên bị sạt lở. |
Hàng năm, đến mùa mưa lũ, hàng ngàn héc ta đất sản xuất của nông dân bị nước lũ cuốn trôi. Hiện nay, thị xã Điện Bàn có hơn 500 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở.
Theo ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, từ 2015 đến nay, ngân sách Trung ương và tỉnh đã hỗ trợ hơn 200 tỷ đồng giúp địa phương xây dựng các bờ kè. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn 500m bờ sông chưa được xây kè. Trước mắt, địa phương hỗ trợ bà con trồng tre, cây bần hoặc dùng sọt đá tạm thời chống xói lở.
Ông Trần Úc cho biết thêm, thị xã Điện Bàn kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam xem xét đầu tư kinh phí xây dựng tuyến kè chống sạt lở bờ sông Vu Gia - Thu Bồn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của bà con.
"Ủy ban thị xã đã lên kế hoạch xác định vị trí điểm, đặc biệt là vị trí di dời dân những nơi thấp sang nhà cao. Tuy nhiên sạt lở ven sông đang gây nguy hại rất lớn. Chúng tôi đã chủ động xác định một số khu vực tái định cư mới, nếu nhân dân có nhu cầu di chuyển đến. Hiện nay, rất nhiều điểm sạt lở, nhưng biện pháp căn cơ rất khó, bởi vì 1km kè nếu đầu tư tầm 20 đến 25 tỷ đồng thì vượt khả năng của thị xã. Dọc theo bờ sông Thu Bồn khu vực Điện Trung theo sông Vĩnh Điện khu vực phường Vĩnh Điện đã sạt lở. Kiến nghị tỉnh, Trung ương xem xét và hỗ trợ địa phương", ông Úc nói.
Hàng ngàn hộ dân hiện đang nằm trong nguy cơ sạt lở. |
Tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 1.200 hộ với hơn 4.600 nhân khẩu nằm trong nguy cơ sạt lở ven sông, ven núi. Trước tình hình này, UBND tỉnh Quảng Nam tỉnh chỉ đạo các địa phương sẵn sàng lên phương án di dời dân đến nơi an toàn.
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để giúp các địa phương chủ động phòng chống thiên tai.
"Tỉnh cũng đã thiết lập lên 9 danh mục đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí có sự khắc phục hạn chế sạt lở bờ sông, bờ biển cũng giống như phương án di dời dân. Tất cả những dự án sắp xếp dân cư và các dự án khắc phục bờ sông, bờ biển sạt lở thì đã có văn bản chỉ đạo các chủ đầu tư cũng như nhà thầu tranh thủ thiết lập phương án để phòng chống lũ, phòng chống bão trước khi công trình hoàn thành. Cho nên hiện nay đang rà soát tất cả các nhà thầu đều vượt tiến độ để hạn chế đến mức thấp nhất ứng phó với thiên tai", ông Tấn cho hay./.