PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương ngày 24/5, cho biết, hiện thể trạng của bé trai đã ổn định và việc chăm sóc bé khá thuận lợi. Bé đã có phản xạ và đang được cho tập ăn với 4ml sữa/lần, ngày ăn 8 cữ.
Cậu bé Bình An đang dần ổn định. |
Đó là cậu bé Đỗ Bình An - con trai sản phụ N.T.L (28 tuổi ở Lý Nhân, Hà Nam) bị ung thư giai đoạn cuối, ra đời khi 31 tuần tuổi và chỉ nặng 1,5kg. Hiện, bé Bình An đang được chăm sóc đặc biệt trong lồng kính của Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Bé Bình An được tiên lượng tốt, với hy vọng sẽ phát triển theo đúng cái tên được đặt.
“Sau ca mổ, tôi có ra gặp người chồng và thông báo rằng người mẹ vượt qua ca phẫu thuật đã là một thành công. Thứ 2, em bé đẻ ra đã khóc ngay cũng là một thành công. Bé trai nặng 1,5kg tương ứng với tuổi thai ở tuần 31. May mắn nhất là người mẹ bị bệnh ở phổi, nơi cung cấp oxy cho em bé, song em bé vẫn phát triển như bình thường. Thứ 3, về mặt hình thái là không có gì bất thường, dù người mẹ đã truyền hóa chất để chống ung thư. Trước mắt chúng ta có thể công bố một phần “mẹ tròn con vuông”. Mẹ để “tròn” hẳn thì phải khỏe lên. Con “vuông” hẳn thì em bé khi đến 38 tuần phải tăng được trên 2,5kg, ăn được, bú được, tự thở… thì lúc đó em bé “vuông”, bác sĩ Cường nói.
Người mẹ bị ung thư vú giai đoạn cuối chiến đấu đến cùng để giữ con
Hai mẹ con vẫn chưa được gặp nhau
Tiếng khóc rất to ngay sau khi sinh - đó là một dấu hiệu tốt của sự sinh tồn. Đặc biệt, ca sinh của chị L. lại được thực hiện trong tư thế ngồi mổ đẻ.
Một người phụ nữ mang thai không thể nằm mà phải ngồi để thở, nhưng vẫn gắng gượng đến cùng để sinh con là quá dũng cảm. Không có gì là quá khi gọi đây là người mẹ “siêu anh hùng”.
Người mẹ đang được chăm sóc tại Bệnh viện K và có xu thế ổn định hơn. Vì căn bệnh ung thư đã ở giai đoạn cuối nên các y bác sĩ vẫn đang nỗ lực hết sức mình để chạy chữa cho bệnh nhân.
Anh Đỗ Văn Hùng (31 tuổi), chồng chị L. cho biết về tình hình vợ mình: “Vợ tôi đã tỉnh và uống được sữa. Tôi vừa thăm con và thấy rất mừng, rất hy vọng con sẽ vượt qua”.
Theo các bác sĩ, hai mẹ con vẫn chưa được gặp nhau từ sau ca mổ bắt thai chiều 22/5. Hai ê kíp y bác sĩ gồm mổ đẻ và sơ sinh từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã sang Bệnh viện K thực hiện ca mổ bắt con cho chị L. PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, người trực tiếp thực hiện ca mổ sinh ở tư thế ngồi hy hữu này kể lại, câu hỏi đầu tiên khi người mẹ nghe con cất tiếng khóc là: “Cháu được mấy cân?”.
Chưa bao giờ ở bệnh viện ung thư lại diễn ra ca mổ bắt thai. Đó là sự phối hợp ăn ý, hợp đồng giữa các bệnh viện.
Điều này còn thể hiện sự chăm sóc toàn diện cho một người bệnh, khi một thai phụ được thăm khám và theo dõi thai nghén tại một bệnh viện không phải chuyên khoa sản. Đó phải là xu thế phát triển và chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện./.