Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác trật tự an toàn giao thông 9 tháng năm 2015 diễn ra chiều 2/10, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia nói: "9 tháng qua, công an Hà Nội chỉ xử phạt được 119 tỷ đồng từ người vi phạm gia thông là quá thấp, thấp hơn tỉnh Quảng Ninh và TP HCM".
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hà Nội cần phải xử phạt mạnh và nghiêm khắc hơn nữa, phạt hành chính cũng như hình sự để chống ùn tắc giao thông nhất là đối với những chủ đầu tư và đơn vị thi công nhếch nhác, kéo dài thời gian. Thời gian tới, nhiều hoạt động quan trọng diễn ra như Tết và Đại hội Đảng, rồi mùa mưa sắp đến, chúng ta rất cần xử lý để giao thông của Hà Nội thông thoáng. Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ làm tiếp một số điểm ở cầu vượt nữa.Giao thông khủng khiếp ở Hà Nội |
Trong khi đó, báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng cho rằng thành phố Hà Nội là một địa bàn quan trọng và trọng điểm về đầu mối giao thông của cả nước. Do vậy cũng có nhiều khó khăn và áp lực lớn về giao thông. Ngay từ đầu năm, Thành phố đã đưa ra giải pháp rất cụ thể trên từng địa bàn, từng khu vực, giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng chịu trách nhiệm, đảm bảo giao thông trên địa bàn thành phố. Thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ từ công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền trực tiếp đến người dân tại các nút giao thông, các trường học, bệnh viện... Qua đây, cũng đã thấy có tác dụng rất lớn.
Về công tác quản lý vận tải, thành phố đã quản lý các đơn vị vận tải, hành khách công cộng, taxi và quán triệt đi lòng vòng. Nếu phát hiện trường hợp nào đi lòng vòng, phạt, lập biên bản, cắt tuyến để làm gương.
Về công tác kiểm soát phương tiện, thành phố chỉ đạo quyết liệt kiểm soát phương tiện, đặc biệt là loại xe quá khổ, quá tải lưu thông trên địa bàn.
“Nói chung, tình hình giao thông của Hà Nội rất phức tạp, đặc biệt các công trình lớn, các công trình trọng điểm, lượng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên địa bàn đã gây bức xúc cho người dân. Chúng tôi đã chỉ đạo công an thành phố, Sở GTVT phải tăng cường kiểm soát tại chân công trình và tại những doanh nghiệp thật cụ thể. Việc xử lý cần hài hoà giữa tạo thuận lợi cho công trình, DN nhưng cũng phải đảm TTATGT” - ông Hùng phân trần.
Theo ông Hùng, 9 tháng qua, 3 tiêu chí về giao thông của thành phố đều giảm. Công an thành phố xử lý 412.000 trường hợp vi phạm giao thông, xử phạt 119 tỷ đồng; thanh tra giao thông xử lý 22.000 trường hợp, xử phạt 41 tỷ đồng và tạm giữ gần 20.000 phương tiện. Thành phố đã đảm bảo an toàn tuyệt đối các hoạt động của Đảng, Nhà nước trên địa bàn, đặc biệt, trong các ngày lễ lớn và các đợt cao điểm phục vụ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học.
Ông Hùng cho biết: Đối với Hà Nội cứ đi chậm là tắc đường và do ý thức của một số người tham gia giao thông kém, đi ngược chiều. Hà Nội cũng ước ao ý thức tham gia giao thông của người dân nếu được như TP HCM, tình hình tham gia giao thông của Hà Nội sẽ được cải thiện rất nhiều.
Hà Nội đã chỉ đạo Công an và Sở GTVT và các chính quyền địa phương quận, huyện rà soát lại mới thấy, một số công trình trọng điểm như: đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội, hầm chui trung tâm và một số công trình giao thông trọng điểm khác, hoạt động còn nhiều mâu thuẫn dẫn đến người dân bức xúc. Thành phố sẽ cố gắng khắc phục trong thời gian tới.
Ông Hùng đề nghị người dân khi gặp tình trạng như vậy cần phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện để đảm bảo giao thông một cách tốt nhất.
Trong thời gian tới, Hà Nội đề nghị Bộ GTVT và Bộ Lao động Thương binh và Xã bàn biện pháp quản lý xe 3 bánh./.