Hiện giá cát san lấp mặt bằng khoảng 200 ngàn đồng/khối; cát xây, đổ bê tông gần 500.000 đồng/khối, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều nhà thầu phải mua cát với giá đắt hơn giá ban đầu nên dẫn đến thua lỗ nặng.

nong_thon_moi_vov_timu.jpg
Tuyến đường giao thông ở xã Nông thôn mới -Sơn Định, huyện Chợ Lách đang thi công dở dang vì thiếu cát. (Ảnh Nhật Trường).

Tỉnh Bến Tre hiện có hơn 50 công trình xây dựng hạ tầng trong Chương trình xây dựng nông thôn mới phải ngưng trệ vì thiếu hụt nguồn cát. Chính quyền các địa phương đã có văn bản trình các Sở, ngành nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh giá cát cho phù hợp. Đồng thời, đề nghị cắt giảm bớt các hạng mục không cần thiết để giảm chi phí đầu tư mua cát. Ngoài các công trình hạ tầng giao thông phục vụ chương trình nông thôn mới, các trường học, trụ sở các cơ quan trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang cũng thi công dở dang do thiếu cát.

Ông Nguyễn Hữu Thịnh, chủ doanh nghiệp xây dựng ở Thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre nói: “Cát hiếm quá, có tiền mua cũng không được. Giá lên nhưng không mua được, cát lấp nay lên 200 ngàn đồng/m3, cát xây 500 ngàn đồng/m3. Bây giờ mình đang làm văn bản gửi chủ đầu tư, la lên chứ chưa biết có cho nâng giá không vì trong hợp đồng không có nói. Hai ba công trình đang cần cát, giá lên nhưng không có đủ cát cấp vì phải chia ra cấp cho nhiều người lại mua. Mình giờ đang rối”.

Tại thành phố Cần Thơ nhiều chủ doanh nghiệp đang thi công  một số công trình xây dựng giao thông đã có văn bản đề xuất UBND các quận, huyện, Ban quản lý dự án xin giãn tiến độ thi công, đề xuất hỗ trợ trượt giá cát san lấp. Cụ thể như Công trình đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, đường giao thông cạnh rạch Cái Khế. Hiện các quận, huyện, Ban quản lý dự án đang tập hợp các kiến nghị của doanh nghiệp  trình UBND thành phố Cần Thơ xem xét./.