Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án 6, thuộc Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đoàn kiểm tra gồm đại diện của Ban quản lý dự án 6, hà thầu thi công, chuyên gia tư vấn thiết kế, chuyên gia địa chất.

vov_2_qqya.jpg
Đường Hồ Chí Minh đoạn tránh đông thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê Gia Lai bị nứt toác, sụt lún nghiêm trọng khi vừa hoàn thành.

Kết quả cho thấy, có 120 đến 150 m đường thuộc dự án có hiện tượng nứt và sụt đường theo phương thẳng đứng. Trong đó, phạm vi hư hỏng nặng nhất kéo dài chừng 40 mét, đoạn qua thôn Đoàn Kết, xã Ia Pal, huyện Chư Sê.

Theo nhận định ban đầu, trong quá trình thiết kế, thi công, các đơn vị chưa phát hiện ra nền đường khu vực này trước kia có một số hồ nước đã được san lấp, có nền đất yếu. Nay gặp mưa, túi đất nền bị chảy dẻo, khiến nền đường, mặt đường sụt.

Nhằm đảm bảo an toàn giao thông, Ban quản lý Dự án 6 đã cấm đường, cử lực lượng chốt chặn suốt ngày đêm, cho đến khi sự cố được khắc phục xong. Cũng theo ông Nguyễn Kiều Hưng, trong hôm nay, 5/9, Ban quản lý Dự án 6 sẽ có báo cáo chính thức về sự việc gửi Bộ Giao thông Vận tải. Và kể từ 6/9, đoàn khảo sát của ban quản lý Dự án 6 sẽ chính thức triển khai các hoạt động đánh giá nguyên nhân hư hỏng đường, nhằm đưa ra giải pháp khắc phục tối ưu.

Đoạn hư hỏng nặng nhất bị nứt toác đến nửa mét, sâu hơn 1 mét, rất nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông.

"Trước hết là chúng tôi yêu cầu tư vấn thiết kế đo lưu vực đấy để tính toán khả năng thoát nước. Thứ hai là đối chiếu thiết kế xem đường lún bao nhiêu. Thứ ba, dự kiến sẽ khoan 3 mặt cắt ngang. Mỗi mặt cắt ngang lại khoan từ 3 tới 4 lỗ khoan. Đặc biệt chỗ tụt sâu nhất sẽ khoan 2 mặt cắt ngang đấy để đánh giá nền đường và địa chất bên dưới như thế nào. Lúc đó mới tìm được giải pháp tổng thể thì mới triển khai thi công được. Bây giờ muốn triển khai thi công thì với thời tiết này ở Tây Nguyên chắc là khó”, ông Hưng cho hay./.