Từ đầu năm đến nay, tỉnh An Giang có gần 4.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dõi vectơ truyền bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn cho thấy, sốt xuất huyết đã được khống chế và suy giảm. Tuy nhiên, theo nhận định, dấu hiệu “hạ nhiệt” của sốt xuất huyết vẫn chưa bền vững, nhất là hiện đang là mùa mưa, nguy cơ bùng phát thành dịch là rất lớn.

vov_hoa_chat_nnkw.jpg
Phun hóa chất phòng chống dịch sốt xuất huyết. 

Theo số liệu từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang, cập nhật đến hết tuần thứ 39, toàn tỉnh có gần 4.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết; trong đó có hơn 150 trường hợp bị sốc nặng, 3 trường hợp tử vong; số ca nhiễm mới sốt xuất huyết là 100 trường hợp, giảm 19% so với tuần trước (tuần thứ 38).

Đáng chú ý, đã xuất hiện các trường hợp sốt xuất huyết nặng kèm theo nhiều biểu hiện bất thường như: co giật, nôn ói, chảy máu cam, tụt huyết áp…Điều này cho thấy, bệnh sốt xuất huyết tuy có dấu hiệu giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao và chưa “ bền vững”.

Theo ông Huỳnh Mộng Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang, hiện địa phương đang lưu hành các tuýp virus sốt xuất huyết đã nhiều năm. Trong khi đây là năm chu kỳ của bệnh nên nguy cơ bùng phát thành dịch trong những tháng mùa mưa là rất lớn.

Các cơ sở y tế tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ứng phó với dịch bệnh. 

Hiện địa phương đang thực hiện việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống dịch trong cộng đồng, nâng cao chiến dịch diệt loăng quăng; tổ chức dập dịch diện rộng. Với những nơi có nguy cơ bùng phát, lan rộng, tổ chức phụ hóa chất để khống chế. Ngoài ra các cơ quan y tế cũng đang tập trung phát hiện sớm dịch bệnh, nâng cao chất lượng chữa bệnh, hạn chế người tử vong do dịch bệnh./.