Sáng nay (5/6), Quốc hội nghe và thảo luận về Báo cáo giám sát Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016.

Báo cáo do Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN-MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày cho biết, ở nhiều địa phương tỷ lệ xử lý vi phạm ATTP thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan; công tác điều tra, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP hiệu quả chưa cao do khó khăn trong việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự.

phan_xuan_dung_vgby.jpg
Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN-MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng  (Ảnh: Quốc hội)

Theo thống kê của Bộ Công an trong thời gian từ 2011-2016, Cơ quan điều tra các cấp trong công an nhân dân chỉ khởi tố 1 vụ, 3 bị cáo về tội danh vi phạm các quy định về ATTP; đã khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố 90 vụ, 148 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến ATTP theo các tội danh khác, trong đó có tội sản xuất, buôn bán hàng giả; tội sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh, chữa; tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.

Tòa án nhân dân các cấp từ ngày 01/10/2010 đến 30/9/2016 đã thụ lý 321 vụ án liên quan đến ATTP, đã giải quyết, xét xử 313 vụ, cụ thể là thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 258 vụ/467 bị cáo, trong đó tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” với 256 vụ/467 bị cáo; tội vi phạm quy định về ATTP 02 vụ/02 bị cáo. 

Trong phần giải pháp, liên quan đến chính sách, Đoàn giám sát nhấn mạnh sớm tổng kết đánh giá 5 năm triển khai thi hành Luật ATTP và các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Thanh tra, Luật Đất đai, Bộ luật Hình sự,…để sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP nhằm góp phần nâng cao hiệu lực pháp lý, thống nhất và đồng bộ.

Bộ luật Hình sự cần được sửa đổi theo hướng cương quyết xử lý đối với các hiện tượng cố tình vi phạm sau khi đã xử phạt hành chính; sớm ban hành Luật quản lý thực phẩm chức năng, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, trước mắt cần sớm có quy định kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu bia và nghiêm cấm sản xuất, vận chuyển rượu bia không đăng ký kinh doanh, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP.

"Cùng với đó là nghiên cứu để đưa ra giải pháp như các nước tiên tiến đã làm là không bán cho người dưới 18 tuổi" - ông Phan Xuân Dũng cho biết.

Trước đó, giải trình về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Bộ luật chỉ nên xử lý các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm mà thực phẩm có giá trị lớn, thu lợi bất chính lớn, hậu quả gây ngộ độc cho nhiều người, gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác… Các trường hợp khác chưa đến mức xử lý hình sự thì cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là xử lý hành chính nghiêm cũng đủ răn đe, phòng ngừa và hạn chế đáng kể tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm./.