Những ngày qua, nhiều giáo viên ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, tay cầm lá đơn, quyết định… đến trụ sở Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện đòi lại sự công bằng.

kk_oziy.jpg
Danh sách thu hồi thay đổi hàng loạt quyết định đối với giáo viên tại Yên Định, Thanh Hóa.

Cô Nguyễn Thị Thuận, giáo viên Trường Tiểu học Định Liên, 48 tuổi đau yếu vì di chứng của lần tai nạn giao thông năm 2012 khiến cột sống và khớp chân của cô vẫn còn phải điều trị. Cô giáo Thuận cũng đã có đơn xin được nghỉ hưu sớm vì bệnh tật. Thế nhưng, huyện vẫn ra quyết định luân chuyển cô đến Trường Tiểu học Yên Trung xa với nơi công công tác 13km trong khi người có số điểm thấp hơn cô lại được tạm hoãn điều động.

Giáo viên Nguyễn Thị Thuận bức xúc: "Bây giờ tôi là người dân, 1 giáo viên bình thường, công tác gần 30 năm rồi, năm nay gần 50 tuổi. Đúng theo công bằng, văn bản thì chấm điểm từ trên xuống dưới tôi chưa phải đi trong số 4 người đi theo quy định. Trong 4 người đó không ai có diện ưu tiên, tôi là có điểm cao thứ 2, mà điều tôi đi luân chuyển, người thấp điểm hơn thì ở lại. Tôi đã viết đơn nhiều mà phòng Giáo dục cứ quanh co không trả lời".

Cũng cô giáo Thuận, trường hợp của cô Trịnh Thị Huy, giáo viên Trường Tiểu học Định Hưng cũng bị áp dụng một cách tréo nghoe. Mặc dù có số điểm cao hơn một số giáo viên khác nhưng lại bị luân chuyển đến nơi xa nhất, trong khi người có số điểm thấp hơn cô Huy thì lại được UBND huyện Yên Định “ưu ái” cho hoãn điều động với lý do không đi được xe máy xa.

“Họ đưa ra lý do cô Trần Thị Hiến không đi được xe máy xa để cho cô Hiến được tạm hoãn điều động, trong khi đó, việc không đi được xe máy xa không có trong tiêu chí xét hoãn điều động. Có cô giáo vừa bị kỷ luật, vừa thấp điểm hơn tôi cũng được ưu ái đến nơi gần. Việc luân chuyển giáo viên của huyện không công bằng, không công khai, minh bạch và trái với công văn, quy định”, cô Trịnh Thị Huy cho biết.

Sau 10 ngày, quyết định bất ngờ có sự thay đổi.

Trường hợp của cô Hoàng Thị Minh Ngà, giáo viên Trường THCS Yên Bái lại là chuyện huyện đã thất hứa một cách có văn bản.

Năm 2016, cô thuộc đối tượng dôi dư phải luân chuyển từ Trường THCS Định Tường đến Trường THCS Yên Bái. Cô đã đi 3 năm theo kế hoạch đề ra của UBND huyện.

Đến thời điểm này hơn 3 năm, cô đã gửi đơn kiến nghị được quay về dạy học ở trường cũ hoặc xem xét cho cô đến công tác tại Trường THCS Định Bình gần nơi cư trú nhất. Thế nhưng, nguyện vọng của giáo viên và quy định đều không được thực hiện.

Ông Hồ Xuân Phương, chuyên viên phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Yên Định thừa nhận, do thiếu giáo viên nên không thể thực hiện đúng quy định được.

"Trong quá trình làm có hướng dẫn thực hiện theo 1995 là thang điểm chấm điểm của các đơn vị trường học. Ví dụ trước anh đi miền núi 5 năm hay bố mẹ già… nhưng giờ chỉ được ưu tiên điểm thôi, đi miền núi cộng bao nhiêu điểm chứ không miễn vì ở Yên Định nếu xét đi miền núi thì là huyện trung gian nên nhiều giáo viên đi miền núi thì dẫn đến ưu tiên năm 2016 những đối tượng đó nhiều không đủ số lượng giáo viên để bố trí sắp xếp", ông Phương nói.

Cách luân chuyển giáo viên tại Yên Định đang đặt ra cho dư luận, đặc biệt là giáo viên nơi đây câu hỏi, cơ quan giáo dục, những người làm giáo dục, đúng ra phải là nơi hình thành và thượng tôn công bằng, liêm chính lại tồn tại điều ngược lại.

Trưởng Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Yên Định khẳng định, việc thực hiện luân chuyển là chưa thể tuyệt đối được. Phòng đã nhận được đơn kiến nghị của các các giáo viên, huyện, sẽ gặp gỡ các giáo viên có đơn để làm việc, xem xét từng trường hợp./.