Không còn chỗ tiếp nhận?

Ông Lê Phước Long, Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo (GD- ĐT) Quảng Trị cho biết: Thực trạng cán bộ giáo viên (GV) công tác lâu năm ở vùng khó khăn có nguyện vọng trở về công tác ở vùng thuận lợi nhưng không được giải quyết do ở những vùng thuận lợi không còn chỗ tiếp nhận đã dẫn đến nhiều tâm tư trăn trở của đội ngũ nhà giáo; có trường hợp không trụ nổi phải bỏ nghề. Mặt khác, do nhu cầu phát triển trường lớp ở vùng khó ngày càng cao nên nhu cầu tuyển dụng GV từ sinh viên mới ra trường là rất lớn. Song, sinh viên mới ra trường đạt loại khá, giỏi thông thường xin về vùng thuận lợi, gần nhà cho nên ở vùng khó GV vừa thiếu, vừa yếu.

luan-chuyen-GV.jpg

Giáo viên lên vùng cao luôn là một thách thức

Đại diện Sở GD - ĐT Hải Dương cho rằng, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã thực hiện việc luân chuyển GV giữa các trường vùng thuận lợi (thị trấn, đồng bằng…) đến các vùng khó khăn (vùng sâu, vùng xa, các xã miền núi). Hình thức phổ biến là biệt phái có thời hạn từ 3 đến 5 năm theo cơ chế luân phiên. Tuy nhiên, công tác luân chuyển GV còn thực hiện chưa triệt để. Một số đơn vị làm chưa tốt công tác tư tưởng, xây dựng phương án luân chuyển chưa thật hợp lý nên thiếu sự đồng thuận. Một số lãnh đạo địa phương còn ngại va chạm, thiếu kiên quyết trong điều động sắp xếp cán bộ.

TS. Nguyễn Hải Thập, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cho biết: Vấn đề nhà ở đối với nhà giáo và cán bộ quản lý là một yêu cầu cấp thiết có tác động nhiều đến tâm tư, tình cảm nhà giáo công tác ở vùng miền núi, khó khăn, nhất là những nhà giáo mới vào nghề. Thực tế, nhiều nhà giáo công tác ở vùng núi khó khăn hiện đang phải đi thuê nhà trọ.

Ông Trịnh Thăng Mạnh, Trưởng ban Chính sách - xã hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, theo báo cáo của các địa phương hiện nay còn có 58/63 tỉnh, thành phố thiếu nhà ở công vụ cho GV với tổng kinh phí cần có 1.300 tỷ đồng.

Cần có chính sách phù hợp…

Theo TS. Nguyễn Hải Thập, vấn đề rút ngắn thời gian công tác đối với nhà giáo công tác ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được nhiều cơ sở giáo dục đề xuất. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách rút ngắn thời gian công tác của nhà giáo ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cụ thể là xuống mức 5 năm so với nhà giáo công tác ở vùng thuận lợi.

Ông Lê Duy Vị, Giám đốc Sở GD - ĐT Thái Nguyên cho rằng, chính sách thu hút, hỗ trợ nhà giáo vẫn còn mang tính bình quân, do đó tác dụng thu hút chưa được phát huy nhiều, đặc biệt chưa tạo ra được khả năng thu hút đối với GV giỏi và tâm huyết đến với con em đồng bào vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Nên chăng với tổng kinh phí đã triển khai để thực hiện Nghị định 61/2006/NĐ-CP (về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác tại các trường chuyên biệt và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) nên dành ra một khoản kinh phí để thu hút động viên những GV giỏi gắn bó với con em đồng bào dân tộc ở vùng đặc biệt khó khăn, như vậy các em sẽ có môi trường học tập ngày càng tốt hơn.

 

Theo kế hoạch, năm 2009, sốgiáo viên đã đi hơn 10 năm sẽ được rút về. Sang năm 2010, lượng giáo viên đi trên 5 năm tiếp tục được điều chuyển. Chế độ ưu đãi dành cho giáo viên về công tác vùng đặc biệt khó khăn vẫn tiếp tục được duy trì. Để hỗ trợ thêm cho GV, các địa phương có thể xây thêm Quỹ hỗ trợ giáo dục

(Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân)

Đại diện Sở GD-ĐT Hải Dương cũng cho rằng, vấn đề mấu chốt để có thể đổi đội ngũ giáo viên giữa các vùng, miền cần có chính sách luân chuyển nhà giáo phù hợp. Đặc biệt, những chính sách đối với GV vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cần phải đủ mạnh. Hạn chế dùng biện pháp hành chính vốn khiên cưỡng, kém hiệu quả để luân chuyển, biệt phái.

Liên quan tới vấn đề này, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) Phạm Mạnh Hùng cho biết: Trong đề án "Luân chuyển GV vùng khó khăn", Bộ GD-ĐT sẽ tạo chỗ trống ở vùng thuận lợi để thực hiện luân chuyển GV. Những người dưới xuôi phải có nghĩa vụ lên công tác miền núi như kiểu "nghĩa vụ quân sự" trong thời gian 5 năm. Mặt khác, sẽ tạo chỗ trống ở vùng thuận lợi.

Muốn vậy, Chính phủ phải đưa vào luật cụ thể. “Khi trở thành chính sách, người đi cũng sẽ yên tâm, biết là sau 5 năm sẽ trở về. Trong đề án, chúng tôi cũng khuyến khích, động viên GV ở lại. Tất nhiên, sẽ có chế độ chính sách thỏa đáng, ngoài mức hỗ trợ của giáo viên lên công tác vùng khó, có thể là hỗ trợ tiền "một cục" cho các trường hợp ở lại” - ông Hùng nhấn mạnh./.