Thời gian gần đây, trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông, va chạm liên hoàn khiến dư luận thực sự lo ngại.

Cụ thể, ngày ¼, một chiếc xe container mang biển kiểm soát Bắc Ninh lưu thông trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ theo hướng từ Ninh Bình về Hà Nội, khi đến Km 190 (thuộc địa phận huyện Thường Tín, Hà Nội) đã va chạm với xe ô tô con mang biển kiểm soát TP HCM.

Chiếc container tiếp tục mất kiểm soát, va chạm với một xe con khác mang biển kiểm soát Bắc Giang. Cả hai ô tô mất lái đâm vào lan can bên đường, chắn ngang cao tốc gây ách tắc nghiêm trọng trên tuyến đường này. Vụ tai nạn khiến tài xế và một trẻ nhỏ trong chiếc ô tô con mang biển kiểm soát Tp. Hồ Chí Minh bị thương.

134419-1.jpg

Xe khách tuyến Mỹ Đình - Nam Định va chạm với người đi bộ khiến nạn nhân tử vong trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Đặc biệt, chỉ trong ngày 15/4, trên tuyến đường này đã xảy ra 3 vụ va chạm liên tiếp khiến giao thông qua đây bị ùn tắc nghiêm trọng.

Cụ thể, vào khoảng 15h15 ngày 15/4, tại địa bàn xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Tp. Hà Nội, người đàn ông trung tuổi vượt rào chắn đi vào cao tốc bất ngờ bị chiếc xe khách 29 chỗ đâm trúng, kéo lê trên đường khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Khoảng nửa tiếng sau, tại km 83+800 (cách vị trí vụ xe khách tông chết người 4 km), một chiếc ôtô khách biển kiểm soát Thanh Hóa đâm liên tiếp vào chiếc xe Kia Morning và chiếc Hyundai biển kiểm soát tỉnh Hà Nam khiến đoạn đường tiếp tục bị ùn ứ nghiêm trọng.

Cũng trong ngày, tại km 185 cũng xảy ra một vụ va chạm giữa 1 xe 4 chỗ và 1 xe khách. May mắn vụ tai nạn không gây thương vong về người, nhưng cũng khiến tình trạng ùn tắc trên tuyến đường này thêm nghiêm trọng. Lực lượng chức năng phải huy động 4 tổ công tác trực chốt tại các điểm trọng yếu tại nút giao Vạn Điểm, Thường Tín, Đại Xuyên, Liêm Tuyền và phối hợp với đội CSGT số 8 (Công an Tp. Hà Nội) phân luồng giao thông.

Thường xuyên di chuyển trên tuyến đường này, tài xế Nguyễn Xuân Đức (công ty Cổ phần vận tải Đức Minh) rất lo ngại về tình trạng tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra thời gian qua. Theo anh Đức, ngoài nguyên nhân số lượng phương tiện gia tăng nhanh chóng, việc liên tục xảy ra tai nạn còn có nguyên nhân từ những bất hợp lý trong việc cắm biển giới hạn tốc độ trên tuyến đường này.

Tài xế Nguyễn Xuân Đức cho biết: "Đường đấy xe khách chạy ẩu và đường quá đông. Cái thứ 2 là quy định giảm tốc độ từ 80 xuống 60km/h quá ngắn, ví dụ biển báo phải cách 300m một biển báo, chứ còn biển cách 100m, giảm tốc độ từ 100, xuống 80 phải đạp phanh liên tục để xuống tiếp 60km thì nó nguy hiểm. Bây giờ đường đó rất nguy hiểm, đường nhỏ mà lưu lượng quá đông".

Tại km 184, 3 xe Starex, Kia moning và xe giường nằm đứng yên tại chỗ khiến đường bị ùn ứ từ Pháp Vân tới km184. (Ảnh: Kenh14)

Trung tá Trần Thu, Đội trưởng Đội 7, Cục CSGT, Bộ Công an (C67) cũng cho rằng, nguyên nhân ban đầu của các vụ tai nạn xảy ra thời gian qua phần lớn là do lỗi chủ quan của các tài xế như: phóng nhanh, vượt ẩu, thậm chí ngủ gật khi điều khiển phương tiện. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do lượng phương tiện lưu thông trên tuyến đường này quá lớn. Dẫn chứng về điều này, trung tá Trần Thu cho biết, trong khi tuyến đường chỉ có 4 làn xe, nhưng riêng buổi chiều ngày 2/5 có tới 41 nghìn lượt phương tiện lưu thông trên tuyến đường này. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc, va chạm giao thông rất dễ xảy ra.

Trung tá Trần Thu cho biết: "Thực tế để đánh giá tổng quát thì phải khẩn trương mở thêm đường. Thứ 2 là người tham gia giao thông phải chấp hành luật khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, tránh vượt, duy trì khoảng cách để giảm thiểu va chạm".

Đại diện Cục CSGT cũng cho biết, tại một số điểm trên tuyến, hệ thống biển cảnh báo, biển hạn chế tốc độ, đèn chiếu sáng còn thiếu. Mắc dù Cục CSGT đã nhiều lần kiến nghị, song đơn vị quản lý đường là Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn chưa khắc phục.

TS Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cũng cho rằng, với lượng phương tiện quá lớn lưu thông trên tuyến đường này, nhà đầu tư cần sớm xúc tiến triển khai giai đoạn 2, mở rộng tuyến đường huyết mạch này. Đặc biệt, trước tình trạng tai nạn tăng liên tiếp thì cơ quan quản lý nước không thể đứng ngoài cuộc.

TS Nguyễn Ngọc Long cho biết thêm: "Không phải con đường ấy đầu tư theo hình thức BOT thì họ muốn làm gì thì làm, mà có vấn đề thì cơ quan nhà nước phải vào cuộc, phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn. Khi đã tìm được nguyên nhân ở đâu thì tháo gỡ ở đúng chỗ đó".

Cũng theo TS Nguyễn Ngọc Long, ngay sau khi hoàn thành giai đoạn 1, Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã mở rộng thêm nhiều cổng thu phí ở cả 2 bên đường. Như vậy, đơn vị ký hợp đồng BOT đã lường trước sự gia tăng nhanh chóng số lượng phương tiện cơ giới lưu thông trên tuyến đường này. Do vậy, ông Long cho rằng, nhà đầu tư cần sớm thực hiện mở rộng tuyến đường theo đúng cam kết trong hợp đồng BOT để hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông.

Trước tình trạng TNGT liên tiếp xảy ra trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, ngoài việc gia tăng nhanh lượng phương tiện cơ giới, còn có những bất cập từ việc tổ chức giao thông. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước không thể đứng ngoài cuộc, cần sớm điều tra, phân tích để tìm hướng khắc phục, hạn chế các vụ tai nạn có thể xảy ra./.