Đây là thông tin được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội) công bố mới đây.

lao_dong_1_wabc.jpg
Nhiều doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, từ năm 2007 đến nay, thực hiện Luật về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã cấp giấy phép cho tổng số 345 doanh nghiệp, trong đó có 302 doanh nghiệp đang hoạt động, 43 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép. 

Ngoài ra, còn có 17 doanh nghiệp đã được cấp phép theo Nghị định số 81/2003/NĐ-CP bị thu hồi giấy phép do không làm hồ sơ hoặc không được đổi giấy phép theo Luật.

Trong số doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép, riêng năm 2017 có 4 doanh nghiệp bị rút giấy phép với các lỗi vi phạm: Không trực tiếp tuyển dụng lao động, cho người khác sử dụng giấy phép của mình để hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn, thu tiền trái phép của người lao động; đưa người lao động ra nước ngoài làm việc nhưng không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động theo quy định.

Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết theo quy định tại Luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, sau khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thu hồi giấy phép, các doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng cung ứng lao động đã ký với đối tác nước ngoài và hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi hợp đồng còn hiệu lực. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này phải báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước về các hợp đồng đang còn hiệu lực, số lượng người lao động đang làm việc ở nước ngoài, số lượng người lao động đã được tuyển chọn để đưa đi làm việc ở nước ngoài và phương án thực hiện trách nhiệm đối với người lao động theo các hợp đồng còn hiệu lực./.