Trong một ngõ nhỏ gần đình Phú Gia, phường Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội), gia đình liệt sĩ hạ sỹ, phi công Công Phương Thảo bận rộn tiếp đón người thân, bạn bè đến hỏi thăm sau thông tin tìm được hài cốt lưu lạc nhiều năm.
47 năm nuôi hy vọng
Phi công Công Phương Thảo sinh năm 1948, còn ông Thi sinh năm 1949, hai người thân thiết như anh em ruột.
“Bố chú Thảo là em ruột bố tôi. Chú Thảo 2 tuổi thì bố hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, giờ phần mộ nằm ở nghĩa trang Mai Dịch. Khi Thảo 5 tuổi, mẹ cũng qua đời do bệnh tật.
Bố mẹ tôi nhận chú Thảo về nuôi như con đẻ, 2 anh em tôi thân thiết, học cùng trường, ăn ngủ cùng nhau nên có gì chú cũng tâm sự với tôi”, ông Thi cho biết.
Ông Công Anh Thi cùng di ảnh phi công Công Phương Thảo. |
Năm 1965, Công Phương Thảo làm công nhân nhà máy phích nước, bóng đèn Rạng Đông (Thanh Xuân, Hà Nội), đến năm 1966 có đợt tổng động viên, dù được miễn nghĩa vụ nhưng Thảo vẫn quyết tâm đăng ký. Khám đủ tiêu chuẩn sức khỏe, Công Phương Thảo được chọn làm phi công.
“Hồi ấy cả xã có 2 người trúng phi công thì Thảo là phi công tiêm kích, anh kia lái trực thăng, cả nhà ai cũng tự hào”, ông Thi nhớ lại.
Năm 1968, mới 20 tuổi, Công Phương Thảo được cử đi học ở trường Không quân Liên Xô, khóa học kéo dài 5 năm nhưng do chiến tranh, anh được điều động về nước sớm hơn dự kiến.
Anh về công tác tại Trung đoàn Không quân 921 thuộc Binh chủng Không quân đóng quân trên căn cứ Đa Phúc, là phi công lái tiêm kích Mig-21U.
Phi công Công Phương Thảo (phải) và phi công người Nga, Đại úy Yuri Poyarkov. |
Trong trí nhớ ông Thi, phi công Thảo là người hiền lành, được anh em bạn bè quý mến. Đi học bên Liên Xô về, anh chỉ về thăm nhà được một lần, anh em ngủ với nhau được 2 đêm thì anh phải vào đơn vị trực chiến. Hàng tuần người phi công trẻ vẫn viết thư về cho gia đình.
“Lá thư cuối cùng gia đình nhận được chú ấy kể nhiều chuyện, kể về những lần bay trên trời. Bay qua em đều nhìn thấy nhà mình bên dưới. Thấy chú Thảo còn trẻ bận rộn với công tác chiến đấu, đến tuổi đó tôi cũng không thấy chú có người yêu vì quá mải với việc bay, gia đình cũng không dám giục giã chú lập gia đình”, ông Thi kể.
Về nước được nửa năm thì phi công Công Phương Thảo hy sinh, đơn vị đưa giấy báo tử về xã, làm lễ truy điệu, tìm thi thể nhưng không thấy. Điều ông Thi hối tiếc là lúc đó gia đình không giữ lại được nhiều kỷ vật của liệt sĩ Thảo.
"Mấy tấm ảnh, bộ quần áo bay mà đơn vị gửi về do chiến tranh và thời gian nên gia đình không còn giữ được, tôi cảm thấy rất tiếc nuối", ông Thi cho biết.
Anh Đinh Văn Thủy. |
Anh Đinh Văn Thủy trong 1 lần đi tìm kiếm hài cốt chú mình. |
47 năm qua, gia đình ông Thi đã tổ chức không biết bao nhiêu lần tìm kiếm nhưng không được.
Ông Thi cho biết: “Chú Thảo ra đi khi còn quá trẻ, chưa vợ con. Những kỷ vật chú để lại chỉ còn vài bức ảnh, không có đồ đạc gì. Tôi phải lấy tấm ảnh cũ kỹ phóng to ra để có ảnh thờ”.
Anh Đinh Văn Thủy (con rể ông Thi), người trực tiếp đi cùng đoàn tìm kiếm hài cốt phi công Công Phương Thảo những ngày vừa qua cho biết bố vợ đã cao tuổi nên nhiều năm nay anh cùng vợ thay ông tìm kiếm hài cốt của chú./.