Nhiều trạm thu phí BOT trên cả nước liên tục bị người dân và lái xe phản ứng dữ dội. Nguyên nhân là các phương tiện vận tải không đi vào đường BOT mà vẫn phải trả phí. Vì sao nhiều trạm thu phí BOT được ưu ái đặt vào “chỗ hiểm” độc đạo?

bot_ukuq.jpg
Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đang bị người dân phản ứng quyết liệt. (Ảnh: K.T)

Không đầu tư cũng “đè” dân thu phí

Cũng như trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) đang gây bức xúc và thu hút sự quan tâm của cả xã hội, dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới bị người dân phản ứng quyết liệt dù chủ đầu tư chưa tổ chức thu phí. Trong mấy ngày gần đây, hàng chục xe tải mang biển kiểm soát Thái Nguyên, Bắc Kạn đã căng biểu ngữ phản đối và cho xe ô tô chạy chậm qua trạm thu phí Bờ Đậu của dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới. Dù chưa tổ chức thu phí nhưng đây là lần thứ hai Trạm BOT Thái Nguyên - Chợ Mới bị phản đối vì có sự lập lờ trong việc xây dựng trạm thu phí theo kiểu “tận thu”. Ông Nguyễn Văn Tài, một người dân ở xã Sơn Cẩm (huyện Phú Lương), tỉnh Thái Nguyên bức xúc: “Con đường này họ không mất một đồng nào mà lại đè dân thu phí là rất vô lý”.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới theo hình thức BOT do Bộ Giao thông Vận tải (GT-VT) đề xuất. Quy mô dự án gồm 2 thành phần: một là xây dựng tuyến đường mới Thái Nguyên - Chợ Mới, hai là cải tạo 25km trên Quốc lộ 3 cũ. Tổng mức vốn đầu tư cho dự án là 2.700 tỷ đồng. Là hai thành phần dự án nhưng chủ đầu tư đặt hai trạm thu phí cách nhau khoảng 150m, trên hai tuyến đường (đường BOT Thái Nguyên - Chợ Mới và Quốc lộ 3) để tổ chức thu phí với mức thu như nhau.

Sự vô lý này xuất phát từ việc lập dự án đầu tư của Bộ GT-VT. Theo báo cáo của Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GT-VT (đơn vị được Bộ GT-VT giao thực hiện bước chuẩn bị dự án đầu tư), với phương án chỉ để một trạm thu phí trên tuyến đường mới làm thì thời gian thu phí sẽ kéo dài 30 năm, nguồn thu phí không bù đắp được chi phí đầu tư, duy tu, dự án không khả thi để triển khai. Để dự án có thể triển khai, Bộ GT-VT đã đưa ra phương án với 2 trạm thu phí gồm cả đường BOT mới xây dựng và Quốc lộ 3 cũ, thời gian hoàn vốn rút ngắn xuống còn 18 năm. Như vậy, việc “cố” cho dự án có phương án tài chính khả thi đã làm phát sinh thêm trạm thu phí trên Quốc lộ 3 cũ, tạo ra sự vô lý khi người dân không đi đường BOT vẫn phải trả tiền.

Cố tình làm cho dự án khả thi

Lý giải về vị trí đặt trạm thu phí và phương án tài chính của các dự án BOT, Thứ trưởng Bộ GT-VT, Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Một dự án BOT nếu không căn cứ vào phương án tài chính thì không thể làm được vì không khả thi, tổ chức cấp vốn cũng không cho vay. Làm dự án BOT phải hài hòa lợi ích, Nhà nước không phải bỏ tiền ra vì ngân sách đang hạn chế, nhà đầu tư phải có lợi nhuận, người cấp vốn cũng phải thấy khả thi người ta mới cấp vốn”.

Để các dự án BOT khả thi như lời Thứ trưởng Bộ GT-VT, các trạm thu phí đã được điều chỉnh vị trí hướng tới hiệu quả tài chính hơn là đánh giá tác động đến người dân và xã hội. Việc các trạm thu phí “đặt nhầm” trước hết là trách nhiệm của Bộ GT-VT khi đã cố tình đưa các dự án không khả thi thành khả thi.

Theo quy định, trạm thu phí BOT chỉ được phép nằm trong phạm vi dự án. Tuy nhiên, điều này dường như không phù hợp với các BOT làm tuyến đường tránh như Bến Thủy (Nghệ An), Cai Lậy (Tiền Giang)… Trạm thu phí đều được thiết kế tại tuyến quốc lộ chứ không phải trên đường tránh vừa được xây dựng. Theo Tiến sĩ Phạm Sanh - chuyên gia giao thông, việc đặt trạm thu phí như vậy nhằm mục đích thu hồi vốn nhanh.

“Dự án không khả thi là chuyện bình thường, nếu không khả thi thì đừng làm, hay dự án ít khả thi thì phải có sự hỗ trợ. Không vì muốn biến các dự án không khả thi thành khả thi mà bắt người dân phải chịu phí một cách bất hợp lý. Biết là dự án không khả thi, không thực hiện được sao vẫn thỏa hiệp"? - Tiến sĩ Phạm Sanh

Hình thức đầu tư BOT có rất nhiều ưu điểm, là một hướng tốt cho phát triển giao thông khi huy động được nguồn vốn xã hội hóa trong lúc ngân sách đầu tư cho hạ tầng giao thông eo hẹp. Nhưng các dự án BOT hiện nay đang bị “biến dạng”, gây bức xúc cho người dân với những điểm vô lý như vị trí đặt trạm thu phí, xây đường một nơi thu phí một nẻo, tính minh bạch của các BOT… Khi người dân nhiều nơi phản ứng việc thu phí vô lý của các BOT thì Bộ GT-VT, các địa phương và chủ đầu tư mới thực hiện các biện pháp để xoa dịu là giảm, miễn phí cho người dân quanh trạm thu phí. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời nên cần thiết phải tính toán lại để vừa huy động được nguồn lực trong việc xây dựng phát triển hạ tầng giao thông, vừa đảm bảo được lợi ích  hài hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội./.