Hôm nay (28/6), Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc UBTVQH đã tổ chức hội thảo “Cơ sở lý luận thực tiễn hoàn thiện pháp luật về dân số”.

Mục tiêu nhằm thu thập các ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về những vấn đề lý luận và thực tiễn của pháp luật dân số, xác định những vấn đề bất cập trong pháp luật hiện hành và đề xuất các giải pháp lập pháp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, dân số là một cấu thành quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, một trong những vấn đề hàng đầu tác động trực tiếp đến nền kinh tế - xã hội; là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống.

dan_so_ydnj.jpg
 
Chính vì vậy, dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển. Giải quyết những vấn đề dân số, không chỉ ở các góc độ nhận thức, hành vi, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, mà điều cốt yếu nhất chính là đề xuất hệ thống chính sách pháp luật phù hợp, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác dân số.

Tuy nhiên, cho đến nay, văn bản pháp lý cao nhất của Nhà nước ta trong lĩnh vực dân số là Pháp lệnh Dân số (2003). Đa phần các đại biểu tại hội thảo đều cho rằng, Pháp luật về dân số hiện hành đã trở nên lạc hậu, không còn đáp ứng được những vấn đề dân số hiện nay đang ngày càng trở nên bức thiết; ngoài ra Pháp lệnh về dân số còn nhiều nguyên tắc chung, thiếu tính cụ thể, không có chế tài xử lý nên khó áp dụng vào thực tiễn.

Pháp lệnh cũng còn thiếu nhiều quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của từng cá nhân trong việc thực hiện mục tiêu dân số; không quy định các biện pháp ưu tiên đối với người nghèo… Mặc khác, cho đến thời điểm này, điều kiện kinh tế có nhiều thay đổi dẫn đến nhiều vấn đề về dân số phát sinh chưa được điều chỉnh.

Nếu không có sự điều chỉnh pháp luật kịp thời, bảo đảm cơ cấu, quy mô và sự gia tăng dân số hài hòa thúc đẩy phát triển đất nước dân số có thể là yếu tố làm thay đổi nền kinh tế của quốc gia.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, Luật Dân số cần được ban hành theo hướng: kế thừa những quy định hiện hành về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình đang phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn; quán triệt quan điểm của Đảng về công tác dân số, đáp ứng yêu cầu chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển để giải quyết toàn diện các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số; đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công tác dân số hiện nay và khoảng 20 năm tới, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, trình độ, nhận thức của người dân.

Bên cạnh đó, công tác dân số cần được thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, đồng thời huy động mọi nguồn lực của cộng đồng, của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước. Nội dung dân số phải được lồng ghép trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng vùng, từng lĩnh vực, quốc gia./.