Hơn một nửa trong số những công trình cấp nước này hoạt động kém hiệu quả hoặc bị đắp chiếu, trong khi người dân luôn mong chờ nguồn nước sạch. Tình trạng này kéo dài khiến người dân bức xúc.
Nhiều công trình nước sạch ở tỉnh Quảng Ngãi hoạt động kém hiệu quả. |
Công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi được đầu tư nhiều tỷ đồng cấp nước cho người dân 3 thôn Nước Ui, Giá Vực và Măng Đen.
Sau vài tháng đầu hoạt động cầm chừng, công trình đã bị hỏng nhưng chưa được sửa chữa. Hàng trăm hộ dân nơi đây phải bỏ tiền đóng giếng hoặc sử dụng nước sông, suối không đảm bảo vệ sinh.
Bà Phạm Thị Nguyên ở thôn nước Ui, xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Hồi trước làm ống xong có nước nhưng được một hai lần rồi mở ra chập chờn. Sau đó lại không có nước nữa”.
Tại huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, bằng nguồn vốn Chương trình Giảm nghèo Tây Nguyên, vốn định canh - định cư, Chương trình 134, 135, Chương trình 30a của Chính Phủ…, địa phương đã xây dựng 70 công trình cấp nước sinh hoạt. Trong số đó, có đến 20 công trình hoạt động kém hiệu quả, 17 công trình không hoạt động…
Ông Phạm Văn Túc, Chủ tịch UBND xã Ba Vì, huyện Ba Tơ cho rằng: “Đối với công trình nước tự chảy, địa phương không có kinh phí vận hành. Nếu tiếp tục đầu tư thì nên khảo sát theo đúng kỹ thuật và quy định. Còn nếu không, Nhà nước hỗ trợ cho nhân dân đào giếng bi theo nhóm hộ sẽ hiệu quả hơn”.
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có gần 500 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn thì có hơn 100 công trình hoạt động kém hiệu quả, 140 công trình không hoạt động. Nguyên nhân do công tác khảo sát, thiết kế công trình chưa phù hợp.
Công tác quản lý đầu tư còn thiếu sót, việc quản lý vận hành sau đầu tư chưa được quan tâm. Các công trình cấp nước tập trung ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa hầu như không thu được tiền nước. Do không có kinh phí để duy tu bão dưỡng, sửa chữa định kỳ dẫn đến công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng.
Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Ngãi phân trần: “Thực trạng một số công trình, sau đầu tư hoạt động tốt nhưng do công tác quản lý sau đầu tư. Một số huyện ít quan tâm, dẫn đến sau một thời gian, công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động. Tại các huyện miền núi không có nguồn thu nên không có tiền để duy tu, sửa chữa và không có tiền trả lương cho công tác quản lý vận hành. Mặc dù có khắc phục sửa chữa nhưng các công trình vẫn hư hỏng”.
Để khắc phục tình trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường khẩn trương rà soát, đánh giá lại thực trạng từng công trình cấp nước đã được đầu tư.
Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch sửa chữa, nâng cấp. Đồng thời, các đơn vị, địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, vận hành và khai thác hiệu quả các công trình nước sạch cho người dân./.
Bình Thuận: Người dân tự nguyện góp vốn xây dựng nhà máy nước sạch
VOV.VN - Mô hình này đã góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước đối với các công trình nước sạch nông thôn ở tỉnh Bình Thuận.
Chương Mỹ sau ngập lụt: Thừa rác, thiếu nước sạch
VOV.VN - Sau gần nửa tháng sống cùng nước lũ, những người dân Chương Mỹ (Hà Nội) đã dần trở về nhà nhưng đi cùng nỗi lo về nước sạch và xử lý rác.
Dân kêu cứu vì thiếu nước sạch, ô nhiễm môi trường
VOV.VN - Các hộ dân sinh sống tại phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ phải sống trong cảnh thiếu nước sạch, ô nhiễm môi trường.
Triển khai “Nước sạch học đường” ở gần 80 trường học
VOV.VN - Chương trình "Nước sạch học đường" sẽ triển khai ở 52 trường học (Bến Tre) và 27 trường học (Vĩnh Long).
Nhân loại đang cận kề chiến tranh nước sạch?
VOV.VN - Thiếu nguồn nước là nguyên nhân chính dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường khác nên nước trở thành chủ đề quan trọng trên các diễn đàn quốc tế.